Saturday, January 29, 2011

Happy New Year không phải là “quốc ca mùa Xuân” của Việt Nam

Happy New Year không phải là “quốc ca mùa Xuân” của Việt Nam

29/01/2011                                                                                          mộc.quốckhanh


Cứ mỗi khi sắp đến ngày Tết, gần như là một thông lệ có tính thâm niên “mặc định”, chúng ta thường nghe một số đài phát thanh và truyền hình trên cả nước phát bản hòa tấu hoặc bản ghi âm ca khúc “Happy New Year” của nhóm ABBA (Thụy Điển) làm nhạc nền cho một số chương trình phát sóng chính thức.

Vì “Happy New Year” nghĩa là chúc mừng năm mới, nên theo lối suy nghĩ đơn giản của các đài phát thanh truyền hình, “Happy New Year” mặc nhiên được ưu tiên lựa chọn để phát thanh cho dù đó là Tết Tây hay Tết Ta.

Cần phải nói rằng “Happy New Year” là một bản nhạc bất hủ của ABBA được nhiều người trên thế giới nghe và biết đến. Từ khi ra đời vào năm 1980 cho đến nay, “Happy New Year” đã có 30 tuổi đời và vẫn được chọn nghe vào dịp Tết Dương lịch, điều không phải bản nhạc nào cũng làm được. Tuy nhiên, ca khúc này chỉ phù hợp với văn hóa phương Tây khi người ta ăn mừng Tết Dương lịch bằng hoa giấy (confetti) và uống rượu champagne rất đặc trưng theo kiểu Tây như ca từ của bài “Happy New Year” đã thổ lộ.

Còn dân ta vào dịp Tết nguyên đán sẽ ăn mừng như thế nào? Có nhiều cách tùy theo sở thích và điều kiện của mỗi người, nhưng ít ai chơi hoa giấy vào dịp Tết, nếu có cũng chỉ thường dùng để rắc lên đầu cô dâu, chú rể trong lễ cưới hỏi. Trước đây, dân mình thích đốt pháo, sau đó việc đốt pháo bị cấm, nên ta chuyển qua xem pháo bông tại chỗ hoặc trên truyền hình thấy văn minh hơn nhiều so với đốt pháo. Có bao nhiêu người uống champagne vào dịp Tết? Rất ít, thường ta thích thưởng thức tách trà thơm đậm đà và cắn hạt dưa hoặc hạt sen ngọt ngào, chứ hiếm khi uống champagne. Có cao hứng lắm thì cũng nhâm nhi một cốc bia hoặc chung rượu đế cho ấm bụng, hơn là uống champagne không hạp khẩu vị.

Về mảng nhạc Xuân, hầu như mọi người đều biết các nhạc sĩ Việt Nam đã sáng tác nhiều ca khúc mừng Xuân có nội dung phong phú với ca từ đầy chất văn chương thi phú và thấm đẫm chất văn hóa Việt mà biết bao thế hệ rất yêu thích như: “Mùa Xuân đầu tiên” (Văn Cao), “Xuân ca” (Phạm Duy), “Hoa Xuân ca” (Trịnh Công Sơn), “Xuân và Tuổi trẻ” (La Hối-Thế Lữ), “Gái Xuân” (Từ Vũ-Nguyễn Bính), “Xuân đã về” (Minh Kỳ), “Anh cho em mùa Xuân” (Nguyễn Hiền), “Mộng chiều Xuân” (Ngọc Bích), “Hơi thở mùa Xuân” (Dương Thụ), “Bài Tango mùa Xuân” (Nguyễn Bách), “Điệp khúc mùa Xuân” (Quốc Dũng) và rất nhiều bản nhạc Xuân khác không thể kể hết được.

Sẽ rất khập khiễng nếu vội vàng so sánh các bản nhạc Xuân của Việt Nam với bài “Happy New Year” của Thụy Điển để xem bài này có hay hơn bài kia hay không. Muốn so sánh, phải xây dựng các tiêu chí so sánh về chủ đề âm nhạc, chủ đề tư tưởng, hòa âm, phối khí, ca từ, tính văn học, tính thi ca, tính quần chúng… nói chung là rất nhiều tiêu chí, và việc so sánh phải được đánh giá bởi một hội đồng gồm những người có học thuật cao trong âm nhạc và được xã hội thừa nhận. 

Tác giả chỉ bảo con gái Mộc Khuyên đánh piano bài “Xuân và Tuổi trẻ” (La Hối-Thế Lữ)

Song, dù chúng ta có làm việc so sánh này hay không và với bất kỳ mục đích gì đi chăng nữa, “Happy New Year” sẽ mãi mãi không bao giờ là “quốc ca mùa Xuân” của Việt Nam. Vì vậy, ca khúc này không nên được phát sóng một cách chính thức vào dịp Tết, nhất là đúng vào thời khắc đón giao thừa thiêng liêng trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Thay vào đó, những bản nhạc Xuân kinh điển của Việt Nam cần phải được vang lên với tất cả niềm hân hoan, sự tự hào và lòng tự trọng của một quốc gia có nhạc Xuân riêng, không nhất thiết phải vay mượn nhạc ngoại quốc để biểu lộ cảm xúc mừng Xuân của dân tộc mình.

Cơ hội nào dành cho “Happy New Year”? Vẫn có, ca khúc này nếu được phát vào dịp Tết Dương lịch là hợp lý nhất hoặc phóng khoáng hơn vào ngày cuối cùng kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của cả nước. Nếu vẫn cứ tiếp tục phát ca khúc “Happy New Year” vào những ngày trọng đại Tết cổ truyền một cách hồn nhiên và vô ý thức như thế (nếu các thành viên nhóm ABBA có tình cờ ghé qua Việt Nam ăn Tết, chắc hẳn họ sẽ rất ngạc nhiên về độ nóng của ca khúc này và sẽ rất khoái chí về sự ưu ái của các đài phát thanh/truyền hình dành cho ca khúc của họ trong nhiều năm vừa qua), chúng ta sẽ có lỗi với các nhạc sĩ Việt Nam dù là vô ý, và trên hết chúng ta đang có vấn đề về “văn hóa nền”, điều thật đáng tiếc đối với những ai đang hoạt động trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng của đất nước.

Tới đây, không cần phải bàn về “Happy New Year” ở khía cạnh hay hay dở hoặc thích hay không thích nữa, mà chính là vấn đề nhận thức chính thống của những người phụ trách biên tập âm nhạc của đài phát thanh và truyền hình trong nước. Những người nghe nhạc thuộc dạng “yếu bóng vía” thường dễ bị văn hóa bên ngoài “xâm thực” vào đầu óc của mình. Định hướng cho công chúng biết chọn lọc thưởng thức nhạc Xuân phù hợp với hoàn cảnh, phù hợp với văn hóa Việt là trách nhiệm chính của các hiệp hội âm nhạc chuyên ngành và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Nếu được như vậy, vào dịp Tết nguyên đán chúng ta sẽ không còn phải nghe ca thán “Ôi hết champagne rồi” (No more champagne)!

mộc.quốckhanh
(Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, số 17)

No comments:

Post a Comment