Wednesday, August 24, 2011

Giới thiệu sách "Thuật ngữ âm nhạc" Việt-Anh-Ý-Pháp-Đức của NGUYỄN BÁCH (2011)

Giới thiệu sách Thuật ngữ âm nhạc của Nguyễn Bách (2011)


24/08/2011                                       ThS. Trần Trọng Quốc Khanh

Cách đây hơn 10 năm, tôi đã thích thú tìm đọc quyển Thuật ngữ âm nhạc Anh-Đức-Việt của tác giả Nguyễn Bách vào giữa năm 2000. Lúc đó, tôi nghĩ phải chi có thêm quyển Thuật ngữ âm nhạc bằng tiếng Pháp và lý tưởng nhất là ba ngôn ngữ Anh-Pháp-Việt nên được xếp chung trong một quyển sách, vì tính phổ biến của chúng. Quả thật, gần cuối năm 2000 tác giả tung ra tiếp quyển Thuật ngữ âm nhạc Ý-Pháp-Việt. Tác giả đã rất khéo léo khi tách hai ngoại ngữ thông dụng Anh-Pháp ra để bố trí trong hai quyển sách riêng biệt. Làm như vậy việc phổ biến công trình của mình sẽ có hiệu qủa hơn. 
Sau hơn 10 năm ra mắt hai quyển Thuật ngữ âm nhạc nói trên và nhận được nhiều góp ý của bạn đọc, tác giả đã sửa chữa, bổ sung và biên soạn hai quyển sách này thành một bộ Thuật ngữ âm nhạc với 5 ngôn ngữ Việt-Anh-Ý-Pháp-Đức.

Bìa sách "Thuật ngữ âm nhạc" của Nguyễn Bách

Bản biên soạn mới này rất đáng hoan nghênh:
1.  Đóng góp không nhỏ vào việc giúp người Việt tiếp cận với âm nhạc thế giới và ngược lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn tìm hiểu âm nhạc Việt Nam.
2.  Tác giả đã sáng tạo sử dụng con số làm trật tự chung cho các thứ tiếng. Cách giải quyết này đã đạt được 2 mục tiêu như sau:
§  bình đẳng hóa các ngôn ngữ Việt-Anh-Ý-Pháp-Đức, vì tiếng nào cũng có thể "làm chủ" để tra cứu ra các tiếng khác.
§  đơn giản hóa cho người sử dụng vì không cần phải cầm một quyển tự điển nặng nề với các phần Việt-Anh, Việt-Pháp, Việt-Đức, Việt-Ý... và ngược lại.

Một số điểm nổi bật của ấn bản mới so với bản cũ:
1.  Tiếng Việt được đặt lên trước 4 ngoại ngữ Anh-Ý-Pháp-Đức, như một sự trân trọng hiển nhiên dành cho tiếng mẹ đẻ.
2.  Thu thập hầu hết những từ ngữ thông dụng (ít nhất trong lãnh vực âm nhạc) vào 1 bộ sách in khổ giấy to thay vì in thành 2 tập như trước đây.
3.  Ở Bảng tra cứu, các thuật ngữ được ghi chú thêm ký hiệu (V), (A), (P), (Đ), (Ý) để độc giả biết các thuật ngữ đó thuộc ngôn ngữ nào. Việc ghi chú này rất công phu, vì chiếm nhiều thời gian biên soạn tới gần 10.000 thuật ngữ được sắp xếp trong 2284 số mục.
4.   Có bổ sung phần âm nhạc truyền thống Việt Nam. Cho đến nay, chưa có tự điển âm nhạc nào giúp cho việc tra cứu từ tiếng Việt sang các tiếng khác, đặc biệt phần về âm nhạc Việt Nam.
5.   Có bổ sung phần nhạc Jazz-Pop-Rock.

Dù tác giả khiêm tốn đặt tên ngắn gọn cho quyển sách là Thuật ngữ âm nhạc, nhưng tôi nhận thấy với cấu trúc và độ dầy của quyển sách gần 400 trang này, có thể gọi đây là cuốn Tự điển Thuật ngữ âm nhạc.

Ngoài ra, nói về Thạc sĩ-Nhạc trưởng Nguyễn Bách, có lẽ cũng cần điểm lại một số công trình nghiên cứu chính yếu mà trước đó chưa có ai khởi xướng:

1.      Với vai trò nhà viết sách nghiên cứu:
Anh đã bắt đầu bằng quyển sách Hòa âm truyền thống từ Thời cổ điển đến Thời hiện đại (1997). Đây là công trình đầu tiên về lý thuyết hòa âm chuyên sâu (trong số  rất ít tác giả viết về đề tài này), trong đó có minh họa hơn 500 ví dụ tiêu biểu của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng trên thế giới.
-    Bộ sách Thuật ngữ Âm nhạc bằng 5 thứ tiếng Anh/Pháp/Đức/Ý/Việt (2000) với kiểu tra cứu độc đáo giúp cho ngôn ngữ nào cũng có thể trở thành tiếng chuẩn để tra cứu. Đây cũng là công trình đầu tiên ở trong nước.
-   Cho đến nay, quyển sách Sổ tay kỹ thuật phòng thu viết cho Tủ sách Âm nhạc Điện toán của NXB Âm Nhạc (2002) vẫn được xem là cẩm nang đầu tiên tại Việt Nam cho đề tài kỹ thuật âm thanh, phòng thu và âm nhạc điện toán.

2.      Với vai trò nhà tổ chức biểu diễn:
-    Dự án “Hát vang tiếng đàn” (2009) với sự ra đời của nhóm The CREDO nhằm thúc đẩy và quảng bá âm nhạc kinh điển đến với công chúng bình dân. Có thể nói, anh là người đầu tiên can đảm dấn thân vào lĩnh vực này theo hướng mới “phải chú tâm đến việc công chúng thích nghe gì, thay vì áp đặt họ phải nghe cái mình đang có”.

-   Chương trình hòa nhạc “PIANO SINGS” (Tiếng Dương Cầm hát) được tổ chức hàng năm từ 2009 đến nay đã thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và giới bình dân. Dấu ấn đầu tiên của Nguyễn Bách là dám thử nghiệm khoác lên âm nhạc piano, một loại nhạc cụ quý phái, nhiều “trang phục” mới lạ, hấp dẫn, tuy bình dị nhưng vẫn gìn giữ vẻ trang nhã. Điều này không những giúp thay đổi nếp nghĩ cứng nhắc trong việc trình diễn âm nhạc kinh điển, mà còn đưa thể loại âm nhạc này ngày càng trở nên gần gũi với công chúng hơn./.

Musically yours,
-----
mộc.quốckhanh
(a.k.a. Kingsley Truman Tran)
moc.quockhanh@gmail.com
09 06 99 99 00

f/ mocquockhanh  |  f/ mocthekhong

mocquockhanh.blogspot.com | Slogan: gìn Nàng giữ Nhạc
mocphuckhang.blogspot.com  |  Slogan: gìn Lộc giữ Lời
mocthekhong.blogspot.com  |  Slogan: gìn Đời giữ Đạo




Sunday, May 15, 2011

Giới thiệu sách "Lý thuyết Âm nhạc Căn bản" của NGUYỄN BÁCH (2011)

Sách "Lý thuyết Âm nhạc Căn bản" của Nguyễn Bách

Ngày 15/05/2011 vừa qua, Nhà xuất bản Thanh niên vừa phát hành quyển sách Lý thuyết Âm nhạc Căn bản của Thạc sĩ–Nhạc trưởng Nguyễn Bách.
Bìa sách "Lý thuyết Âm nhạc Căn bản" của Nguyễn Bách
Nhạc sĩ Nguyễn Bách sống ở Châu Âu 10 năm, phần lớn ở Munich, Đức, một đất nước có nền khí nhạc nổi tiếng thế giới.
Dù nội dung sách là vấn đề học thuật, nhưng nhạc sĩ đã trình bày bằng một ngôn ngữ rất dễ hiểu.
Những đầu sách nghiên cứu âm nhạc một cách có hệ thống như vậy lại rất thiếu ở Việt Nam ta.
Từ trước đến nay, đến các nhà sách lớn, hầu như chỉ thấy các tập ca khúc nhạc trẻ trong và ngoài nước, còn sách nhạc lý thì quá giản lược.
Với khoảng 40 quyển sách đã viết về âm nhạc, có lẽ nhạc sĩ Nguyễn Bách là một trong những tác giả hiếm hoi, dành nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu âm nhạc.
Ngoài vài chục đầu sách khác về Hòa âm, Chỉ huy, Hợp xướng, Kỹ thuật phòng thu cho đến Tự điển thuật ngữ âm nhạc Anh-Pháp-Đức-Ý v.v…), có thể nói Lý thuyết Âm nhạc Căn bản là một trong những quyển sách rất đáng để đọc dành cho người yêu nhạc/học nhạc/chơi nhạc.
Đặc biệt trong quyển sách này, chuyên gia tài chính ngân hàng kiêm nhạc sĩ Trần Trọng Quốc Khanh, cộng tác viên của Văn đàn ACS Việt Nam tại Singapore đã tham gia với vai trò chính về hiệu đính ngôn ngữ và tư vấn về nội dung.

Musically yours,
-----
mộc.quốckhanh
(a.k.a. Kingsley Truman Tran)
moc.quockhanh@gmail.com
09 06 99 99 00

f/ mocquockhanh  |  f/ mocthekhong

mocquockhanh.blogspot.com | Slogan: gìn Nàng giữ Nhạc
mocphuckhang.blogspot.com  |  Slogan: gìn Lộc giữ Lời
mocthekhong.blogspot.com  |  Slogan: gìn Đời giữ Đạo

Saturday, January 29, 2011

Happy New Year không phải là “quốc ca mùa Xuân” của Việt Nam

Happy New Year không phải là “quốc ca mùa Xuân” của Việt Nam

29/01/2011                                                                                          mộc.quốckhanh


Cứ mỗi khi sắp đến ngày Tết, gần như là một thông lệ có tính thâm niên “mặc định”, chúng ta thường nghe một số đài phát thanh và truyền hình trên cả nước phát bản hòa tấu hoặc bản ghi âm ca khúc “Happy New Year” của nhóm ABBA (Thụy Điển) làm nhạc nền cho một số chương trình phát sóng chính thức.

Vì “Happy New Year” nghĩa là chúc mừng năm mới, nên theo lối suy nghĩ đơn giản của các đài phát thanh truyền hình, “Happy New Year” mặc nhiên được ưu tiên lựa chọn để phát thanh cho dù đó là Tết Tây hay Tết Ta.

Cần phải nói rằng “Happy New Year” là một bản nhạc bất hủ của ABBA được nhiều người trên thế giới nghe và biết đến. Từ khi ra đời vào năm 1980 cho đến nay, “Happy New Year” đã có 30 tuổi đời và vẫn được chọn nghe vào dịp Tết Dương lịch, điều không phải bản nhạc nào cũng làm được. Tuy nhiên, ca khúc này chỉ phù hợp với văn hóa phương Tây khi người ta ăn mừng Tết Dương lịch bằng hoa giấy (confetti) và uống rượu champagne rất đặc trưng theo kiểu Tây như ca từ của bài “Happy New Year” đã thổ lộ.

Còn dân ta vào dịp Tết nguyên đán sẽ ăn mừng như thế nào? Có nhiều cách tùy theo sở thích và điều kiện của mỗi người, nhưng ít ai chơi hoa giấy vào dịp Tết, nếu có cũng chỉ thường dùng để rắc lên đầu cô dâu, chú rể trong lễ cưới hỏi. Trước đây, dân mình thích đốt pháo, sau đó việc đốt pháo bị cấm, nên ta chuyển qua xem pháo bông tại chỗ hoặc trên truyền hình thấy văn minh hơn nhiều so với đốt pháo. Có bao nhiêu người uống champagne vào dịp Tết? Rất ít, thường ta thích thưởng thức tách trà thơm đậm đà và cắn hạt dưa hoặc hạt sen ngọt ngào, chứ hiếm khi uống champagne. Có cao hứng lắm thì cũng nhâm nhi một cốc bia hoặc chung rượu đế cho ấm bụng, hơn là uống champagne không hạp khẩu vị.

Về mảng nhạc Xuân, hầu như mọi người đều biết các nhạc sĩ Việt Nam đã sáng tác nhiều ca khúc mừng Xuân có nội dung phong phú với ca từ đầy chất văn chương thi phú và thấm đẫm chất văn hóa Việt mà biết bao thế hệ rất yêu thích như: “Mùa Xuân đầu tiên” (Văn Cao), “Xuân ca” (Phạm Duy), “Hoa Xuân ca” (Trịnh Công Sơn), “Xuân và Tuổi trẻ” (La Hối-Thế Lữ), “Gái Xuân” (Từ Vũ-Nguyễn Bính), “Xuân đã về” (Minh Kỳ), “Anh cho em mùa Xuân” (Nguyễn Hiền), “Mộng chiều Xuân” (Ngọc Bích), “Hơi thở mùa Xuân” (Dương Thụ), “Bài Tango mùa Xuân” (Nguyễn Bách), “Điệp khúc mùa Xuân” (Quốc Dũng) và rất nhiều bản nhạc Xuân khác không thể kể hết được.

Sẽ rất khập khiễng nếu vội vàng so sánh các bản nhạc Xuân của Việt Nam với bài “Happy New Year” của Thụy Điển để xem bài này có hay hơn bài kia hay không. Muốn so sánh, phải xây dựng các tiêu chí so sánh về chủ đề âm nhạc, chủ đề tư tưởng, hòa âm, phối khí, ca từ, tính văn học, tính thi ca, tính quần chúng… nói chung là rất nhiều tiêu chí, và việc so sánh phải được đánh giá bởi một hội đồng gồm những người có học thuật cao trong âm nhạc và được xã hội thừa nhận. 

Tác giả chỉ bảo con gái Mộc Khuyên đánh piano bài “Xuân và Tuổi trẻ” (La Hối-Thế Lữ)

Song, dù chúng ta có làm việc so sánh này hay không và với bất kỳ mục đích gì đi chăng nữa, “Happy New Year” sẽ mãi mãi không bao giờ là “quốc ca mùa Xuân” của Việt Nam. Vì vậy, ca khúc này không nên được phát sóng một cách chính thức vào dịp Tết, nhất là đúng vào thời khắc đón giao thừa thiêng liêng trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Thay vào đó, những bản nhạc Xuân kinh điển của Việt Nam cần phải được vang lên với tất cả niềm hân hoan, sự tự hào và lòng tự trọng của một quốc gia có nhạc Xuân riêng, không nhất thiết phải vay mượn nhạc ngoại quốc để biểu lộ cảm xúc mừng Xuân của dân tộc mình.

Cơ hội nào dành cho “Happy New Year”? Vẫn có, ca khúc này nếu được phát vào dịp Tết Dương lịch là hợp lý nhất hoặc phóng khoáng hơn vào ngày cuối cùng kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của cả nước. Nếu vẫn cứ tiếp tục phát ca khúc “Happy New Year” vào những ngày trọng đại Tết cổ truyền một cách hồn nhiên và vô ý thức như thế (nếu các thành viên nhóm ABBA có tình cờ ghé qua Việt Nam ăn Tết, chắc hẳn họ sẽ rất ngạc nhiên về độ nóng của ca khúc này và sẽ rất khoái chí về sự ưu ái của các đài phát thanh/truyền hình dành cho ca khúc của họ trong nhiều năm vừa qua), chúng ta sẽ có lỗi với các nhạc sĩ Việt Nam dù là vô ý, và trên hết chúng ta đang có vấn đề về “văn hóa nền”, điều thật đáng tiếc đối với những ai đang hoạt động trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng của đất nước.

Tới đây, không cần phải bàn về “Happy New Year” ở khía cạnh hay hay dở hoặc thích hay không thích nữa, mà chính là vấn đề nhận thức chính thống của những người phụ trách biên tập âm nhạc của đài phát thanh và truyền hình trong nước. Những người nghe nhạc thuộc dạng “yếu bóng vía” thường dễ bị văn hóa bên ngoài “xâm thực” vào đầu óc của mình. Định hướng cho công chúng biết chọn lọc thưởng thức nhạc Xuân phù hợp với hoàn cảnh, phù hợp với văn hóa Việt là trách nhiệm chính của các hiệp hội âm nhạc chuyên ngành và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Nếu được như vậy, vào dịp Tết nguyên đán chúng ta sẽ không còn phải nghe ca thán “Ôi hết champagne rồi” (No more champagne)!

mộc.quốckhanh
(Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, số 17)

Friday, January 14, 2011

Ngẫu hứng với THANH LAM

Ngẫu hứng với THANH LAM

Thứ sáu, 14/1/2011, 08:00 GMT+7

Ban nhạc đang đánh ngon lành, Thanh Lam bỗng nhiên dừng hát, nói: “Chị bảo này, lần hai đánh cho ngầu vào”. Tiếp tục di chuyển trên sân khấu, khoa chân múa tay, nữ ca sĩ lại dừng lại: “Chị bảo này, chỗ này đánh câu gian tấu trước khi chị vào”.
> Thanh Lam, Tùng Dương đem ‘Yêu’ vào TP HCM

CS Thanh Lam & tác giả bài viết mộc.quốckhanh
Tôi có việc ra Hà Nội tình cờ đúng dịp lễ Giáng sinh 2010. Trước đó một tuần, người dân Thủ đô bất ngờ hứng chịu một đợt rét đậm dưới 10 độ C làm nhiều người trở tay không kịp. Vì vậy, trong va-li đã chuẩn bị đầy đủ áo ấm, mũ len và găng tay để sẵn sàng đón nhận cái lạnh cắt da, cắt thịt ở miền Bắc mà tôi đã từng “nếm trải” những năm đầu thập niên 1990. Thật may, khi ra đến nơi Hà Nội lại trở mát ở tầm 20 độ như Đà Lạt. Quả là thiên thời!


Xong việc, sáng 24/12/2010 nhờ bạn bè mách bảo tôi đi đến Nhà hát Lớn Hà Nội để được xem phần tổng dợt chương trình ca nhạc đặc biệt “Phố cũ - Tình xưa” ngày 24-25/12/2010. Tôi lững thững bước vào Nhà hát bằng cửa bên hông mở sẵn. Có vài người ngồi ở cổng bảo vệ, nhưng chẳng ai buồn để ý đến người lạ. Lúc tôi đi sâu vào bên trong Nhà hát ở khu vực sát sân khấu, đạo diễn chương trình đang chăm chú công việc, nên cũng chẳng bận tâm hỏi: “Anh là ai, vào đây có việc gì?”. Tôi thoải mái tận hưởng sự tự do và tự nhiên này. Là người yêu nhạc, tôi đã tìm được nơi để thư giãn. Đúng là địa lợi, còn mong gì nữa!

Thế, liệu có nhân hòa không? Lúc đó ban nhạc đang đệm đàn trên sân khấu. Ở hàng ghế đầu, một số nghệ sĩ đang ngồi chuẩn bị tiết mục, và tôi không thể không nhận ra diva nhạc Việt: NSƯT Thanh Lam.

Ở tuổi 40, Thanh Lam vẫn đẹp rạng rỡ.
Đến phần ráp nhạc của Thanh Lam với Bài thánh ca buồn, sân khấu sống động hẳn lên. Nét mặt, cử chỉ, động tác, giọng hát quen thuộc mang phong cách rất Lam. Ban nhạc đang đánh ngon lành, Thanh Lam bỗng nhiên dừng hát, nói: “Chị bảo này, lần hai đánh cho ngầu vào”. Tiếp tục di chuyển trên sân khấu, khoa chân múa tay, rồi đùng một cái: “Chị bảo này, chỗ này đánh câu gian tấu trước khi chị vào”.

Với sự trau chuốt kỹ tính của Thanh Lam, cái điệp khúc “chị bảo này, chị bảo này” cứ lập đi lập lại rất nhiều lần trong suốt buổi tập. Có một giọng nam vang lên từ phía sau sân khấu: “Nếu bài này khó tập với ban nhạc, sẽ chuyển qua đệm piano thôi”. Còn tôi ngồi bên dưới cười thầm: “Bảo gì mà lắm thế, ai nhớ hết hở chị”. Dường như đoán được suy nghĩ của người bạn đến từ Sài thành, Thanh Lam nói với ban nhạc: “Nhớ ghi ra giấy để không quên, nào chúng ta tập lại từ đầu nhé”. Cứ thế, đang hát, bỗng dưng muốn stop: chị bảo này… chị bảo này…

Thật ra, sự khó tính tưởng chừng “vô lý” của Thanh Lam đều có cái lý của nó, tất cả để đảm bảo nhạc phẩm được trình diễn tốt nhất. Xem nghệ sĩ tập dợt có hai điều thú vị, đặc biệt với những người nổi tiếng của công chúng. Thứ nhất, tính chuyên nghiệp rất cao, thứ hai không mất tiền vào cổng.

Sau phần tập dợt căng thẳng, Lam và tôi sang quán cafe ở sát bên Nhà hát lớn. Câu chuyện lại tiếp tục về âm nhạc. Tôi nghêu ngao hát cho Lam nghe một bản nhạc tình “không tên, không tuổi”. Trong lúc ngồi “cắn răng chịu đựng” nghe tôi hát, Lam tranh thủ trang điểm nhẹ khuôn mặt hồng nhan tươi sắc, thỉnh thoảng dừng tay ngước nhìn một cái rồi… bỏ qua.

Thanh Lam say sưa trên sân khấu trong phần tập dượt.

Nói chuyện nhạc mãi thấy cũng nhạt, chúng tôi ngẫu hứng đổi đề tài sang chứng khoán, bất động sản và kim loại quý. Lam nói có người bạn rủ đầu tư đất ở Sài Gòn. Tôi đáp: “Nếu có tiền, đây là thời điểm tốt, vì đất Sài Gòn rẻ hơn đất Hà Nội”. Chưa dừng lại đó, Lam truy tiếp: “Anh nghĩ có nên mua vàng lúc này?”. Trời đất, nếu người khác hỏi câu này, tôi sẽ trả lời ngay mà không cần quan tâm đến hiệu quả hoặc thậm chí hậu quả. Nhưng trước mặt tôi là diva nhạc Việt, tôi chọn giải pháp an toàn: “Lam hãy tập trung nuôi dưỡng cảm xúc cho âm nhạc”. Cả hai bật cười vui vẻ.

Do có việc riêng, tôi không thể xem Lam trình diễn trong đêm Noel, song chỉ cần xem phần tập dợt buổi sáng của Lam cũng là quá đủ. Chúng tôi tạm biệt, không quên chúc nhau “Merry Christmas” trong một ngày Noel ấm áp và an lành tại Hà Nội.

Khi tôi chuẩn bị rời Hà Nội, thời tiết bắt đầu rét lạnh trở lại. Những cơn mưa vô thường lại lất phất rơi càng làm khắc sâu cái giá lạnh của nơi đây. Những cơn gió mạnh cuốn phăng những chiếc lá úa cuối cùng của một ngày đông, tựa như một tấm thảm phất phơ trải dài trên từng con phố cổ. Tôi đã kịp rời khỏi Hà Nội trước khi cơn gió mùa đông bắc lạnh băng tái chiếm hồn tôi như cách đây 20 năm về trước.

Trở về Sài Gòn, Noel trong này đã đi qua, Noel ngoài kia cũng đã trở thành dĩ vãng, nhưng chắc hẳn sẽ vẫn còn một chút âm vang…

mộc.quốckhanh