Tuesday, July 10, 2012

Gặp gỡ tác giả “Dù tình yêu đã mất” - NS HOÀNG NHẠC ĐÔ

Gặp gỡ tác giả “Dù tình yêu đã mất”

mộc.quốckhanh

[11/07/2012 5:12:04]


Có thể cuộc đời này vẫn còn chứng kiến tình-yêu-đã-mất hay tình-yêu-sẽ-mất ở đâu đó. Tình yêu đã mất là câu chuyện của riêng anh, nhưng không vì thế mà cản trở trái tim anh rung động dành cho tình yêu quê hương, tình cảm bạn bè hay nói rộng hơn đó là tình người.


Tên khai sinh kết tinh thành nốt nhạc
Hàng tháng tôi có thói quen ghé vô nhà sách. Dù sách điện tử đã bắt đầu phổ biến, nhưng sách in vẫn thú vị hơn nhiều. Là người yêu nhạc, khi vô nhà sách tôi thường lang thang đến kệ trưng bày âm nhạc. Tại đây, ngoài những tập nhạc quốc tế mà dạo này tôi bớt sưu tập, tôi chú ý nhiều đến các tập nhạc Việt hơn.

Một hôm tình cờ thấy tuyển tập nhạc với tên gọi: “Hoàng Nhạc Đô - Tháng năm còn nhớ” (NXB Văn Nghệ, 2009). Tôi ngạc nhiên sao ai có nghệ danh hay quá, vừa có chữ “nhạc”, vừa có nốt “đô” song hành. Giở những trang đầu tiên của tập nhạc, thấy bài số 2 nằm ở trang 8 đập ngay vào mắt vừa tựa đề “Dù tình yêu đã mất”. Lại thêm một sự ngạc nhiên nữa, bản boston nhịp ¾ nổi tiếng này, tôi đã biết cách đây vài chục năm rồi, nhưng thú thật là chưa bao giờ được nghe giới thiệu về tác giả.

Tôi gọi thử một số bạn bè kể cả giới chuyên môn, hầu hết đều trả lời với mẫu số chung là “biết rõ giai điệu, có nhớ tựa bài, không biết tác giả”. Tôi tự hỏi liệu đây có phải là sự bất công ngẫu nhiên trong truyền thông hay tác giả chỉ muốn công chúng chú ý đến tác phẩm hơn chính bản thân mình.

Tôi càng thích thú hơn khi thấy tập nhạc giới thiệu NS Hoàng Nhạc Đô đã viết sách “tự học hòa âm”, một chủ đề mà tôi thích sưu tầm nhất. Lật đến trang cuối của tập nhạc, tôi thấy tác giả có ghi đầy đủ thông tin liên lạc như số ĐTDĐ, địa chỉ e-mail và địa chỉ trang web. Tôi tự nhủ cứ từ từ rồi sẽ gọi cho tác giả, trước mắt ra quầy thu ngân để “rinh” tập nhạc về nhà xem kỹ.

NS Hoàng Nhạc Đô & mộc.quốckhanh

Vào một buổi tối giữa tháng 02/2012, tôi gọi điện thoại cho NS Hoàng Nhạc Đô. Tiếng chuông nhạc chờ vang lên lời hát chậm rãi “dù tình yêu đã mất…”, tôi biết mình đã gọi đúng số.

“Alô ai đó?”, một giọng nói pha một chút Nam bộ, nhưng vẫn đậm chất Bắc đặc trưng.

“Xin cho cháu hỏi có phải bác Hoàng Nhạc Đô không ạ?”, tôi cẩn trọng.

Tôi xưng hô bác cháu, vì NS Hoàng Nhạc Đô (sinh năm 1940) thuộc thế hệ bố mẹ tôi. Nhưng NS Hoàng Nhạc Đô nói thôi bác cháu làm gì nghe khách sáo lắm, cứ gọi anh em để giao lưu văn nghệ cho vui, anh cũng là cha anh rồi.

Được sự cho phép như thế, tôi từ từ “dịch” giọng: “Dạ, nhờ tập nhạc “Tháng năm còn đó”, em mới biết anh là tác giả bài “Dù tình yêu đã mất”. Khi nào anh có dịp lên Sài Gòn, em sẽ rất vui nếu được giới thiệu anh với bạn bè hâm mộ”. Thế là xong một cuộc giới thiệu ngắn gọn qua điện thoại.

Buổi gặp gỡ đầu tiên với NS Hoàng Nhạc Đô ở Quán Sài Gòn Phố vào đầu tháng 04/2012 đã làm thỏa lòng một số người yêu mến tác phẩm của anh, nhưng chưa gặp tác giả ở ngoài đời. Hôm đó, anh ký tặng tập nhạc và đĩa nhạc của mình cho mọi người.

Khi anh tặng luôn tuyển tập “Nhạc sĩ Hoàng Trọng - Một thuở yêu đàn” (NXB Văn Nghệ, 2007), chúng tôi mới biết thêm anh chính là trưởng nam của cố NS Hoàng Trọng (1922-1998) rất nổi tiếng với “Dừng bước giang hồ”, “Ngàn thu áo tím”, “Nhạc sầu tương tư”…, trong đó bản pasodoble “Dừng bước giang hồ” thường được chúng tôi chọn mở màn cho đêm khiêu vũ thời sinh viên 1986-1990.

Khi được hỏi về nghệ danh, anh cho biết vì rất yêu nhạc, nên NS Hoàng Trọng chọn chữ rất độc đáo để đặt tên cho ba người con là: Hoàng Nhạc Đô (nốt Do), Hoàng Cung Pha (nốt Fa) và Hoàng Bạch La (nốt La trắng). Tôi nhận thấy ba nốt “Do - Fa - La” kết hợp lại với nhau tạo thành hợp âm Fa trưởng (F) vang lên tươi sáng với nốt Do làm nền bè trầm, tựa như Hoàng Nhạc Đô là người anh cả nâng đỡ các em mình lên.

Từ trái sang phải: NS Hoàng Nhạc Đô, NS Hàn Châu, NS Tiến Luân, mộc.quốckhanh & NS Phan Khanh

Đoạn kết coda thất tình trong diễm tình
Buổi gặp gỡ tiếp theo diễn ra rất rôm rả vào cuối tháng 04/2012 tại Quán Thiên Thai. Đến hồi gay cấn nhất chính là lúc nói về ca từ bài “Dù tình yêu đã mất”, nhất là ở bốn chữ “Em thành đàn bà” trong phần cuối đoạn điệp khúc “Em trong vòng tay lạ/ Em thành đàn bà/ Cho anh xót xa”.

NS Hoàng Nhạc Đô hồi tưởng lại thời trai trẻ: “Bài này được viết vào năm 1973 khi mình 33 tuổi trong nỗi đau tuyệt vọng tiễn người mình yêu đi lấy chồng”. Theo anh, Elvis Phương là ca sĩ trình bày nhạc phẩm này thành công nhất, lột tả được hết tâm trạng của tác giả.

Nghe bài “Dù tình yêu đã mất” (Elvis Phương hát):


Sau này, có một số người hát thành “Em trong vòng tay lạ/ Em quên lời hẹn thề/ Cho anh xót xa”. Lời hát sửa lại này đã phá vỡ cấu trúc vần điệu và ca từ như thơ của tác giả với vần “a” xuyên suốt 8 trường canh của điệp khúc. Đáng tiếc nhất là không cảm nhận hết tâm ý đầy nghĩa khí của tác giả vẫn chúc hạnh phúc cho người yêu đi lấy chồng ở đoạn kết bài “thì anh xin chúc cho em được trọn đời hạnh phúc với người…”, mà không hề mang lòng oán hận đối với người mình yêu dù mối tình dang dở này gây đau xót suốt cuộc đời tác giả.

Nếu tinh ý sẽ thấy hai vế gần nhau “em thành đàn bà” và “hạnh phúc với người” tạo ra một cuộc xung đột giằng xé nội tâm dẫn tới cao trào tột đỉnh của bi kịch tình yêu mà chính tác giả đã trải qua, rồi cuối cùng quyết định chọn một tâm thế là: hạnh phúc mang tên em, nỗi đau mang tên anh. Dễ dàng nhận thấy NS Hoàng Nhạc Đô không hài lòng với cách sửa lời này.

Để tạo không khí thư giãn cho buổi gặp gỡ, lúc đó có NS Phan Khanh, NS Hàn Châu, NS Tiến Luân, PV Lương Minh và một số thân hữu khác, tôi nói anh Đô ơi, liệu anh có thể cho phép em hát thử “Em trong vòng tay lạ/ Ôm đàn tỳ bà/ Cho anh xót xa” hay không?

Nghe tôi đề xuất “bỗng dưng muốn hát” bất ngờ như vậy, các anh đều phì cười. Anh Đô nói vui: “Ừ, ít ra thì Khanh cũng gieo vần chuẩn không cần chỉnh, hay dở tính sau, nhưng quan trọng nhất là biết xin phép tác giả”.

Sau đó các anh đều phản đối việc sửa đổi ca từ so với nguyên tác của NS Hoàng Nhạc Đô. Với điếu thuốc lá trên tay nhả ra từng làn khói hư ảo, NS Phan Khanh cắt nghĩa với giọng đầy trải nghiệm: “Trước khi lấy chồng em là thiếu nữ, sau khi lấy chồng em thành đàn bà. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời người con gái, thực tế như vậy có gì phải tránh”.

Người phụ nữ còn trông chờ điều gì hơn khi mình đi lấy chồng vui với niềm hạnh phúc mới mà vẫn nghe lời hát chúc mừng hạnh phúc từ người yêu cũ mà không có một lời lẽ oán hận gì. Đó chẳng phải là thông điệp văn minh của đoạn kết coda thất tình trong diễm tình hay sao?

Vẫn biết ngày xưa các cụ thường nói “văn mình, vợ người”, nhưng chưa bao giờ NS Hoàng Nhạc Đô nói văn chương, ca từ của mình hay cả.

“Bản nhạc đó do mình tự viết ra, không sao chép hay đạo văn của người khác. Mình cũng chưa bao giờ sửa lời của ai, nếu có cũng phải xin phép cho đàng hoàng tử tế”, anh bộc bạch.

Chia tay anh, trong đầu tôi cứ vang lên một bài học về sự tôn trọng (dành cho người khác) mà cũng chính là lòng tự trọng (dành cho chính mình) không chỉ trong hoạt động âm nhạc, mà còn cho tất cả các lĩnh vực khác.

NS Hoàng Nhạc Đô, mộc.quốckhanh, PV Lương Minh, Nhạc trưởng Nguyễn Bách & NS Đức Thịnh

Dù tình yêu đã mất, nhưng tình người vẫn còn
Cứ khoảng độ vài tháng tôi lại được gặp NS Hoàng Nhạc Đô ở Sài Gòn. Lúc này, nhờ có chút thân tình, nên một hôm tôi trêu anh: “Em thấy anh thỉnh thoảng lên Sài Gòn, chắc tính nối lại những gì đã đứt trong quá khứ hả anh?”.

 “Ở độ tuổi thất thập cổ lai hy như mình, muốn nối lại những gì đã đứt thì y học cũng bó tay”, anh hóm hỉnh.

Rồi giọng anh trầm xuống: “Thật ra, cứ khoảng 3 tháng mình lên Sài Gòn để lãnh tiền bản quyền, coi như lương hưu. Lên đây chỉ là cái cớ thăm anh em thân hữu vì lâu ngày không gặp nên nhớ, chứ bây giờ chuyển khoản nhanh mà”.
Thế mới biết dịch vụ ngân hàng ngày nay có hiện đại cỡ nào anh cũng không dùng. Anh sẽ đến Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để nhận trực tiếp tiền-tươi-thóc-thật, rồi mời anh em đi uống café. Vì tế nhị, tôi không hỏi liệu tác quyền âm nhạc có đủ để anh trang trải mọi chi phí xe cộ, café thuốc lá và ăn uống trên này hay không, nhưng lần nào gặp gỡ cũng thấy anh vui vẻ, yêu đời và trẻ hơn nhiều so với tuổi.

Có lần anh viết e-mail cho tôi bằng giọng Nam bộ: “Cuộc đời nhạc sĩ có được một hai bài để mọi người nhớ là sung sướng lắm rồi Khanh há”. Nghe anh nói vậy tôi đoán bài “Dù tình yêu đã mất” dẫn đầu về tác quyền, và rồi anh chỉ cười khi tôi hát trêu “Dù tình yêu đã mất, nhưng anh được nhận tiền, làm anh vui quá…”.

Từ trái sang phải: mộc.quốckhanh, NS Hoàng Nhạc Đô, NS Lê Nghiệp & Đạo diễn Trần Hưng

Hôm nọ gặp lại anh ở Quán Thiên Thai, nghe anh hỏi NS Tiến Luân sao tới giờ vẫn chưa thấy thanh toán tác quyền cho nhạc chờ gì hết Luân à. NS Tiến Luân nhún vai: “Đã là nhạc chờ thì phải chờ thôi”.

Sau nhiều lần gặp gỡ trực tiếp, nói chuyện điện thoại và liên lạc e-mail với NS Hoàng Nhạc Đô, điều đọng lại trong tôi là dù có viết bao nhiêu tác phẩm thuộc thể loại “thất tình ca” như chính lời anh tâm sự, anh vẫn luôn dành sự trân trọng cho những người phụ nữ mình yêu, dù họ đã làm trái tim anh tan vỡ bao nhiêu lần.

Có thể cuộc đời này vẫn còn chứng kiến tình-yêu-đã-mất hay tình-yêu-sẽ-mất ở đâu đó. Tình yêu đã mất là câu chuyện của riêng anh, nhưng không vì thế mà cản trở trái tim anh rung động dành cho tình yêu quê hương, tình cảm bạn bè hay nói rộng hơn đó là tình người.

Chính tình người là những gam màu tươi sáng giúp anh hồi sức vẽ lại chân dung tình yêu, nuôi dưỡng tâm hồn anh trong sự bình an và tạo nguồn cảm hứng mới để anh tiếp tục sáng tác những tác phẩm ca ngợi tình yêu như “Bài Tango giã từ”, “Một trời cách biệt” hay ca ngợi quê hương nơi anh sinh sống trong loạt bài “Cần Thơ ngày về”, “Tây Đô chiều nhớ”, “Chiều Ô Môn”…

Ở lần chia tay tạm biệt anh vào đầu tháng 07/2012, trong đầu tôi lại vang lên một âm hưởng mới đến từ anh, có giá trị nhân văn cho đời sống tinh thần, đó là: Dù tình yêu đã mất, nhưng tình người vẫn còn!


mộc.quốckhanh
Sài Gòn, 10/07/2012


Musically yours,
-----
mộc.quốckhanh
(a.k.a. Kingsley Truman Tran)
moc.quockhanh@gmail.com
09 06 99 99 00

f/ mocquockhanh  |  f/ mocthekhong

mocquockhanh.blogspot.com | Slogan: gìn Nàng giữ Nhạc
mocphuckhang.blogspot.com  |  Slogan: gìn Lộc giữ Lời
mocthekhong.blogspot.com  |  Slogan: gìn Đời giữ Đạo




Về Nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô:

- Sinh năm 1940 tại Nam Định.
- Học trường Puginier Hà Nội.
- Học piano GS Vũ Ngọc Lan.
- Học hòa âm NS Hoàng Trọng, NS Hoàng Thi Thơ.
- Thành viên ban nhạc Les Vagabonds.
- Sáng tác đầu tay “Áng mây chiều” (1961).
- Đã viết hơn 300 ca khúc.
- Đã biên soạn sách: Tự học nhạc lý, Tự học ca hát, Tự học hòa âm.
- Hiện là hội viên Hội Âm nhạc TP. Cần Thơ.
- Thông tin liên lạc: 169/1 Đinh Tiên Hoàng, Phường Châu Văn Liêm, Quận Ô Môn, Cần Thơ, ĐTDĐ: 0939156129, E-mail: HoangNhacDo@yahoo.com.




http://giaidieuxanh.vn/news/12589/Gặp%20gỡ%20tác%20giả%20“Dù%20tình%20yêu%20đã%20mất”.html




Wednesday, April 25, 2012

Thương tiếc Nhạc sĩ HUY LIÊM

Thương tiếc Nhạc sĩ Huy Liêm


Sài Gòn, 25/04/2012                                                                                     mộc.quốckhanh


Nhắc đến một trong những bộ sách tìm hiểu âm nhạc vi tính đầu tiên về phần mềm soạn nhạc Encore (NXB Trẻ, 1997), phần lớn những người viết nhạc đều biết tác giả là Nhạc sĩ Huy Liêm. Cuối tháng 03/2012, chúng tôi còn ngồi uống café với anh. Ngày 05/04/2012 tôi còn nhận tin nhắn của anh. Vậy mà nay anh đã về với nước Chúa vào tối thứ Tư 18/04/2012!


Gặp “ảo” NS Huy Liêm trên nền Encore năm 1997
Năm 19 tuổi khi còn là sinh viên, tôi bắt đầu tập viết ca khúc từ năm 1988. Là người sáng tác không chuyên, từ năm 1988-1997 tôi chỉ viết được vài chục bài. Thời đó, việc kẻ nhạc bằng tay tốn rất nhiều thời gian, không thể in ấn và kém hiệu quả trong việc chia sẻ thông tin với bạn bè.

Thật may, năm 1997 NS Huy Liêm (tên thật của anh là Trương Hiếu Liêm, sinh năm 1956) đã viết loạt sách với đề tài tìm hiểu âm nhạc vi tính, trong đó nổi bật nhất là hai quyển mô tả và ứng dụng phần mềm âm nhạc Encore 4.04. Trong bộ sách này, anh Liêm trình bày khá chi tiết với ngôn ngữ dễ hiểu và ví dụ minh họa cụ thể. Thế là, những sáng tác chép tay của tôi trước đây được lục ra để ký âm trên Encore, giúp cho việc lưu trữ, in ấn và chia sẻ bài hát thật dễ dàng. Trong suốt 4 năm từ 1997-2000, sách Encore của anh Liêm gần như là sách gối đầu giường của tôi. Khi gặp khó khăn về ký âm hoặc sáng tác, tôi chỉ cần mở sách Encore của anh là tìm được lời giải.

Trong lời giới thiệu bộ sách “Tìm hiểu âm nhạc vi tính Encore 4.04” vào tháng 07/1997, Giáo sư-Nhạc sĩ Tô Vũ viết: “Nhịp độ phát triển về tin học hiện nay có liên quan tới hầu hết các lãnh vực công việc cũng như các ngành học. Chúng ta thấy có rất nhiều sách hướng dẫn về các bộ môn liên hệ đó. Riêng âm nhạc, dường như còn rất khiêm nhường... Chúng tôi hoan nghênh công trình có thể xem là đột phá này của tác giả Huy Liêm”.

Sang năm 1998, anh có viết sách giới thiệu phần mềm Band-in-a-box chuyên về nhạc đệm với tổng phổ và phân phổ các điệu nhạc (NXB Trẻ, 1998). Tôi cũng tìm đọc quyển này để ủng hộ tác giả mặc dù tôi sử dụng Encore nhiều hơn. Về sau tôi được giới chuyên môn giới thiệu thêm về 2 phần mềm soạn nhạc khác là Finale và Sibelius, nhưng tôi ít dùng, bởi vì trong sáng tác ca khúc tôi chỉ có nhu cầu ký âm và in ấn, mà với Encore hai chức năng này là quá đủ.

Bất cứ lúc nào có dịp, tôi đều giới thiệu bạn bè về bộ sách của NS Huy Liêm như một cách thầm ủng hộ tác giả, thế nhưng tôi cũng muốn nói với anh vài lời. Theo số điện thoại liên lạc ghi trên sách, tôi gọi nói lời cảm ơn anh vì đã viết bộ sách có giá trị. Lúc đó, tôi thật sự cũng muốn gặp anh, nhưng nghĩ mình mới 28 tuổi, không biết gặp anh sẽ nói gì hay chỉ làm mất thì giờ của anh. Dẫu vậy, ý muốn được gặp anh vẫn nằm trong suy nghĩ của tôi, cho dù tôi chưa thể hình dung mình sẽ gặp anh vào lúc nào và trong hoàn cảnh nào.

Bút tích của NS Huy Liêm trên sách Band-in-a-box

13 năm sau… lần đầu tiên hẹn gặp tại nhà anh vào năm 2010
Vào năm 2010, lần đầu tiên sau 22 năm kể từ tôi viết ca khúc đầu tay, tôi mới có kế hoạch nghiêm túc thực hiện đồng thời CD Album cùng Tập nhạc “Những cơn mưa vô thường”. Về nội dung Tập nhạc, tôi đã có ý tưởng dành riêng một trang giấy trang trọng nói lời cảm ơn chân thành đến một số nhạc sĩ thuộc thế hệ cha anh có ảnh hưởng đến tôi trong âm nhạc. Đến tháng 10/2010, tức sau 13 năm kể từ khi tôi gọi điện cho anh hồi năm 1997, tôi mới xin hẹn đến nhà anh để gặp mặt. Khi đến, điều đầu tiên tôi làm là đưa anh xem bộ sách gốc về Encore và Band-in-a-box do anh viết và nhờ anh ký tên để ghi dấu buổi gặp gỡ đầu tiên này. Anh cười hồn nhiên, ghi vài dòng và ký tên đề ngày 04/10/2010. Sau đó, tôi kể về việc làm CD của mình và hỏi anh liệu tôi có thể ghi tên anh trong lời cảm ơn ở đầu Tập nhạc hay không, và anh đồng ý.

Khi về, tôi còn may mắn được anh tặng tài liệu về “Những bài học sử dụng căn bản Cakewalk Pro Audio 9” do anh viết vào năm 2002 (gồm 3 quyển in photo khổ nhỏ). Cầm 3 quyển sách nhỏ trên tay, tôi thoáng nghĩ phải chi bộ tài liệu này được in khổ lớn như quyển Encore thì sẽ hiệu quả hơn. Tôi nói nếu anh có ý định phát hành chính thức sách Cakewalk này, tôi sẽ sẵn lòng hỗ trợ phần hiệu đính ngôn ngữ và một số vấn đề khác trong khả năng cho phép. Anh trả lời bây giờ chưa có ý định đó, vì đang tập trung viết phần mềm soạn nhạc. Lúc đó, trời đã tối, tôi cũng không hỏi đó là phần mềm gì.

Tôi không ngờ rằng hơn một năm sau, anh đã tự viết phần mềm âm nhạc mà sau này tôi mới biết đó là “Words in Music Box” mà anh gọi tắt là WimBox.


Bút tích của NS Huy Liêm trên sách Encore 4.04

Một nghệ sĩ piano-keyboard tài năng tự viết phần mềm âm nhạc
Sau khi ra mắt CD Album cùng Tập nhạc “Những cơn mưa vô thường”, tôi gửi tặng anh bộ sản phẩm này trước Tết Nhâm Thìn 2012. Anh hài lòng vì thấy tôi giữ đúng lời hứa in tên anh trong lời cảm ơn ở đầu Tập nhạc. Anh gọi điện chúc mừng và còn gửi e-mail động viên rất chân thành: “Chúc các sản phẩm kế tiếp của Khanh cũng có tính cách như vậy”. Tôi cảm thấy rất vui, nhưng lúc đó anh vẫn chưa cho tôi biết gì về phần mềm Wimbox.

Từ đó, tôi thấy mình thân với anh hơn một chút vì những cuộc trao đổi điện thoại qua lại, nhưng vẫn chưa có dịp mời anh đi uống café vì thời gian tréo ngoe. Anh có thói quen hay gọi tôi một cách ngẫu hứng khi anh đang ngồi với bạn bè ở đâu đó vào lúc tôi đã có cuộc hẹn khác, còn nếu tôi hẹn gặp anh vào buổi chiều sau giờ hành chánh thì anh nói “bận đi dạy đàn piano-organ rồi Khanh ơi”. Cứ nhiều lần như thế, một hôm tôi chủ động gọi sắp xếp trước ngày uống café để tránh cuộc hẹn bất thình lình, thì anh cười nhẹ nhàng: “Thôi, làm sao mà sắp đặt trước được, cứ để nó tự nhiên thì hay hơn”. Thấy anh nói vậy, tôi đành nghe theo.

Sau khi ăn Tết khoảng gần cuối tháng 02/2012, anh gọi điện thoại báo tin giọng đầy phấn chấn: “Khanh, em thích hòa âm đúng không, anh có cái này hay lắm”. Quả thực, anh gãi đúng “chỗ ngứa âm nhạc” của tôi, nghe nói đến hòa âm là tôi có hứng thú ngay. Tôi hồ hởi: “Cái gì vậy anh, có thể tiết lộ một chút không?”. “Đó là phần mềm âm nhạc Words in Music”, anh đáp ngay. Rồi anh đề nghị: “Nếu tiện, Khanh mang sẵn máy tính xách tay ra quán café trước, rồi mình sẽ mang phần mềm ra minh họa”. Sợ ra quán café đông người nói chuyện không tiện, tôi nói hay là đến nhà anh nghe thử thoải mái hơn mà không bị ai quấy rầy, anh đồng ý.

Tôi đến nhà anh lần thứ hai vào một buổi sáng Chủ nhật sau khi đưa vợ con đi lễ. Tại đây, anh đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lúc đầu tôi cứ tưởng anh sẽ giới thiệu phần mềm của ai đó, nhưng không ngờ chính anh là tác giả phần mềm. Tôi thắc mắc “anh là dân piano-keyboard mà, có ai phụ giúp anh viết phần mềm không?”. Anh trả lời mình đọc sách, tự nghiên cứu ngôn ngữ lập trình, rồi viết phần mềm luôn. Nghe anh nói vậy, tôi cảm thấy vô cùng thán phục.

Trước khi tôi đến, anh đã nhập sẵn 2 ca khúc của tôi là Trở Lại Mùa Xuân và Những Cơn Mưa Vô Thường vào phần mềm Wimbox. Khi tôi đến, anh chỉ mở phần mềm ra để tôi nghe thử. Đối với tôi, có lẽ đó là lời chúc Tết hay nhất của năm 2012 và tôi không bao giờ quên được cái cảm giác đặc biệt đó. Thấy hay quá, tôi đề nghị anh thao tác lại từ đầu để tôi dễ hình dung. Anh mở tập nhạc của tôi tìm các bản ký âm. Đến phần nhập giai điệu của bài hát, tôi thấy anh chỉ gõ liên tục các con chữ ở bàn phím máy tính. Thấy thao tác này rất lạ so với Encore, tôi hỏi và được anh đáp rằng cao độ và trường độ của một nốt nhạc nào đó sẽ được ký hiệu bằng một tổ hợp chữ, đó là lý do tại sao phần mềm này có tên Words in Music, tức “gõ chữ thành nốt”.

“Người không biết nhạc cũng có thể nhập bản ký âm và hòa âm của bài hát mình yêu thích vào phần mềm Wimbox sau khi đọc hướng dẫn sử dụng”, anh nói. Quả thực, anh đã tìm được giải pháp đơn giản hóa mọi quy ước hay ký hiệu âm nhạc phức tạp để người bình dân chưa biết nhạc cũng có cơ hội giải trí với âm nhạc một cách lành mạnh. Tới những đoạn nhạc chạy ngón trải dấu piano điêu luyện (arpège), anh tỏ vẻ rất hài lòng. Anh nói các câu nhạc đó là do anh chơi trực tiếp và nhập liệu vào chương trình, chứ không phải sao chép các mẫu đệm có sẵn bên ngoài rồi đưa vào phần mềm. Anh nói Wimbox là ứng dụng biên soạn âm nhạc qua hệ thống hòa âm hiện đại.

Là người ngoại đạo về tin học, tôi không thể đánh giá hết về Wimbox, nên tôi ngỏ ý giới thiệu anh với Thạc sĩ-Nhạc trưởng Nguyễn Bách để cùng trao đổi ứng dụng của phần mềm. Anh nói ai chứ anh Bách thì lạ gì. Trước đó, anh Bách cũng nói với tôi là có nghe nhiều về anh Huy Liêm, nhưng chưa có dịp gặp mặt. Tôi nói vui: “Vậy hai anh chỉ mới truyền thanh với nhau, giờ em sẽ làm cầu nối để hai anh có thể truyền hình cho nhau”. Nghe tôi nói vậy, anh cười sảng khoái.


Lần gặp gỡ cuối cùng trước khi anh dừng cuộc rong chơi với âm nhạc
Có lẽ vì hứng thú với phần mềm Wimbox, nên lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất anh đồng ý để tôi sắp xếp thời gian uống café. Đó là một buổi chiều cuối tháng 03/2012 tại café Sài Gòn Phố gồm có anh Huy Liêm, anh Nguyễn Bách, nhà báo Xuân Sơn và tôi.

Tại đây, anh say sưa giới thiệu Wimbox. Anh nói mình thích viết phần mềm để tặng bạn bè và người yêu nhạc, ai muốn dùng thì cứ tải thoải mái từ trên mạng xuống. Tôi dặn anh dù viết phần mềm với lý do gì, cũng nên đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Sau đó, anh than thủ tục đăng ký sao rườm rà quá, nên không biết cuối cùng hồ sơ có được chấp nhận không. Tôi cũng thừa biết với một người có tâm hồn nghệ sĩ khoáng đạt như anh, việc đăng ký bản quyền phần mềm không phải là mối bận tâm chính một khi anh đã có ý định tặng không cho mọi người. Vì quý mến anh, tôi chỉ nhắc anh đăng ký để bảo vệ công trình của mình, tránh có kẻ nào đó từ dưới đất chui lên tự xưng là “tác giả” phần mềm, vì cái sự “cầm-nhầm-trí-tuệ-của-người-khác” không còn là chuyện lạ trên đời này.

Với nhiều kiến thức chuyên môn về âm nhạc, anh Bách có nêu một số câu hỏi thú vị với anh Liêm. Hôm đó, tôi cũng lưu ý Wimbox chưa có chức năng xuất tập tin dưới định dạng MIDI vì chuẩn MIDI rất thông dụng, anh nói sẽ bổ sung sau vì đã tiên liệu rồi. Sau buổi café, tôi hỏi anh Bách về phần mềm Wimbox. Anh Bách nói: “Chỉ cần hoàn thiện một số chức năng thì hiệu quả sẽ rất cao. Tuy nhiên, việc một mình anh Liêm, vốn là nghệ sĩ piano-keyboard, tự bỏ công sức viết phần mềm trong vòng hơn một năm mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng đủ để chúng ta bái phục rồi!”.

Tôi không ngờ rằng lần đầu tiên được mời anh uống café cũng là lần cuối cùng…


Anh ra đi để lại những dự án âm nhạc dang dở
Vào buổi trưa ngày 20/04/2012, có một cuộc điện thoại gọi đến: “Có phải Khanh không, anh Liêm mất rồi!”. Trời đất, tôi thật sự không tin vào tai mình, vì mới đây thôi anh còn nhắn tin cho tôi vào ngày 05/04/2012.

Chị Thanh, chị ruột anh Liêm, cho biết anh ra đi do lao lực. Anh vốn thể trạng gầy, nhưng ít ăn ít ngủ vì dành rất nhiều thời gian cho dạy nhạc và viết phần mềm âm nhạc. Người hàng xóm nói anh thường làm việc trên máy vi tính đến 1 giờ khuya và hôm sau thức dậy rất sớm vì chứng mất ngủ, vì vậy mỗi ngày anh ngủ nhiều lắm cũng chừng 3 tiếng. Chị Thanh cho biết tới bữa chị thường mang sẵn cơm cho anh dùng, nhưng anh cứ tập trung vào công việc, quên ăn quên uống. Khi cơm lạnh canh nguội, anh nói thấy mệt trong người, không muốn ăn uống gì nữa. Vì thường bỏ bữa, sức khỏe của anh suy giảm. Thời gian gần đây, anh chỉ uống sữa cầm hơi thay cơm.

Khi chị Thanh lo lắng về sức khỏe của anh, anh nói phải tranh thủ thời gian hoàn tất một số phần mềm âm nhạc còn dang dở để tặng cho đời. Có lẽ giới tin học chuyên nghiệp sẽ không bỏ công sức viết phần mềm âm nhạc nếu không có thù lao xứng đáng. Một tín đồ Thiên Chúa giáo hiền lành như anh yêu mến âm nhạc và tự học ngôn ngữ lập trình để viết phần mềm âm nhạc để tặng cho đời trong cái thời buổi cơm-áo-gạo-tiền “sánh duyên cùng” cân-đong-đo-đếm này quả là điều rất hiếm ở Việt Nam!

Gia đình anh Liêm khá neo đơn, anh vốn độc thân sống chung với mẹ và chị trong một con hẻm nhỏ ở đường Vườn Chuối, Quận 3. Điều cảm động đối với tôi khi nghe chị Thanh kể lại lúc ra đi, trên bàn làm việc của anh có CD và Tập nhạc Những cơn mưa vô thường. Nhờ Tập nhạc có ghi thông tin liên lạc, nên chị Thanh mới gọi báo tin để tôi kịp đến viếng.

Giờ đây, ngồi một mình nghe lại hai bản nhạc Trở Lại Mùa Xuân và Những Cơn Mưa Vô Thường do chính tay anh gõ giai điệu, hòa âm và ca từ vào phần mềm Wimbox, tôi thấy tiếc thương anh vô cùng vì những dự án âm nhạc của anh còn dang dở. Tôi thật sự không dám mong anh xem tôi là người bạn thân thiết. Chỉ có điều trong những tháng cuối cùng của đời anh, tự nhiên cơ duyên ban cho tôi cơ hội liên lạc với anh nhiều hơn, mà nhờ đó tôi mới biết rõ những giấc mơ âm nhạc cháy bỏng nhưng thuần khiết của anh. Những giấc mơ và những sáng tạo mà chính những người làm nhạc chuyên nghiệp đôi khi cũng phải xem lại mình.

Đứng trước di ảnh của anh, tôi thầm nói với anh rằng có thể những quyển sách, những nhạc phẩm hoặc những phần mềm của anh không nhiều, nhưng giá trị cốt lõi mà anh để lại cho chúng tôi đó là tình yêu âm nhạc và tinh thần hiếu học với nhiều đam mê và không ngừng sáng tạo.

Tự nhiên nguồn cảm xúc dâng trào khiến tôi muốn viết đôi lời về anh vì mọi việc tôi đều nhớ rõ như in trong đầu. Đang do dự không biết liệu mình có đủ thân tình để viết về anh chưa, thì có anh chị thân hữu nhắn nhủ: “Khanh, em cứ viết những gì cảm nhận được về anh Liêm để có thể chia sẻ thêm cho mọi người sau này”. Nhờ có lời động viên chân tình đó, tôi ngồi viết ra đây những dòng chữ này như một câu chuyện âm nhạc có riêng giữa anh và tôi thay cho nén tâm hương vĩnh biệt anh!

Tôi không ngờ rằng lần thứ ba tôi ghé thăm căn nhà nhỏ ở Quận 3 là để viếng anh!


mộc.quốckhanh
(Sài Gòn, 25/04/2012)



Musically yours,
-----
mộc.quốckhanh
(a.k.a. Kingsley Truman Tran)
moc.quockhanh@gmail.com
09 06 99 99 00

f/ mocquockhanh  |  f/ mocthekhong

mocquockhanh.blogspot.com | Slogan: gìn Nàng giữ Nhạc
mocphuckhang.blogspot.com  |  Slogan: gìn Lộc giữ Lời
mocthekhong.blogspot.com  |  Slogan: gìn Đời giữ Đạo



http://giaidieuxanh.vn/news/12388/Thương%20tiếc%20Nhạc%20sĩ%20Huy%20Liêm!.html