Saturday, July 1, 2017

Giới thiệu sách “Thưởng thức âm nhạc” của Tiến sĩ-Nhạc trưởng NGUYỄN BÁCH (2017)

GIỚI THIỆU SÁCH “THƯỞNG THỨC ÂM NHẠC” CỦA TIẾN SĨ NGUYỄN BÁCH

Sài Gòn, ngày 01/07/2017                   ThS. NS. Mộc Quốc Khanh

Cách đây hơn năm năm, chúng tôi là một trong những học viên tham gia một khóa đào tạo âm nhạc hoàn toàn mới lạ, có thể nói chưa từng có tại Việt Nam, đó là khóa “Thưởng thức âm nhạc” được tổ chức tại Trường Âm nhạc B.A.C.H vào năm 2012. Khóa học càng đặc biệt hơn nhờ có sự hướng dẫn trực tiếp của PGS TS Trần Thế Bảo, PGS NGND Hoàng Cương và chính nhạc trưởng Nguyễn Bách, tác giả quyển sách này.
Trong khóa học đó, Trường Âm nhạc B.A.C.H đã biên soạn nhiều bài giảng chuyên đề với minh họa thực tế (khổ giấy A4) phát cho học viên vào mỗi buổi lên lớp, mà chỉ cần tập hợp đầy đủ các tài liệu này lại thôi cũng có thể đóng thành một tập giáo trình âm nhạc có giá trị. Lúc đó, chúng tôi thầm nghĩ giá như Trường Âm nhạc B.A.C.H tổng hợp, cập nhật và hệ thống hóa tất cả các bài giảng của khóa học để in thành sách thì việc học hỏi và nghiên cứu chuyên đề này sẽ mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả hơn.

Trang bìa sách “Thưởng thức âm nhạc” của NGUYỄN BÁCH
Sau khi dồn hết công sức và tâm huyết trong ba năm để nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Âm nhạc học vào năm 2015, tác giả chứng tỏ mình vẫn còn tràn đầy năng lượng đáng trân trọng dành cho âm nhạc nghiêm túc. Sau hai năm nỗ lực không mệt mỏi, anh vừa mới hoàn tất một công trình nghiên cứu công phu xứng tầm với một đề tài mới có thể nói lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, đó là quyển “Thưởng thức âm nhạc”, tiếp tục bổ sung vào tủ sách âm nhạc Nguyễn Bách, đến nay cũng gần 40 cuốn.
Rất đáng hoan nghênh dự án nghiên cứu nghiêm túc mới này của tác giả. Không thể diễn tả hết niềm vui của chúng tôi khi được đọc toàn bộ bản thảo quyển sách như mong đợi, mà mình đã từng học một phần nội dung trong đó cách đây năm năm. Chắc chắn, mỗi quý vị độc giả sẽ tự tìm thấy những điểm thích thú và niềm khích lệ cho riêng mình khi cầm trên tay ấn phẩm trang trọng này. Riêng chúng tôi mong được chia sẻ một vài điểm đáng chú ý như sau:

mộc.quốckhanh tại Trường Âm nhạc B.A.C.H

1.  Đối tượng của quyển sách: Khi Trường Âm nhạc B.A.C.H mở khóa Thưởng thức âm nhạc” lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2010, có người băn khoăn “tôi chưa biết đàn, biết hát, làm sao theo khóa này được”. Đây là phản ứng tự nhiên, nhưng chúng ta lại quên rằng mình vẫn nghe nhạc hàng ngày và biểu lộ cảm xúc từ những bản nhạc ấy dù chưa biết đàn hay biết hát. Điều đó chứng tỏ tiềm năng thưởng thức âm nhạc đã có sẵn, mà chúng ta chưa nhận ra. Nay quyển sách “Thưởng thức âm nhạc” dầy công biên soạn của Tiến sĩ Nguyễn Bách không những xác nhận khả năng thưởng thức âm nhạc trong mỗi người, mà còn chia sẻ cách thức “khai quật” tiềm năng đó trong sự tương tác cởi mở nhất. Nói cách khác, điểm son của quyển sách này đó là giúp cho những người chưa biết đàn hay biết hát giải tỏa áp lực tâm lý và mạnh dạn học cách yêu nhạc hơn.
Vì vậy, nếu chưa biết đàn hay biết hát, thì cũng đừng lo, cứ yên tâm học thưởng thức âm nhạc trước. Xong khóa học này, biết đâu sẽ có “nhân duyên” mở tiếp cánh cửa hướng đến việc học đàn, học hát sau. Nếu đi theo trình tự này, việc học nhạc cụ hay luyện thanh nhạc sẽ có hiệu quả cao nhờ kiến thức nền tảng của thưởng thức âm nhạc. Sách này nếu đã có lợi ích thiết thực dành cho đối tượng là người chưa biết nhạc, thì lại càng có giá trị nghiên cứu dành cho những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp và nghiệp dư, với độ mở tối đa là hướng đến công chúng. Theo chúng tôi, tựa đề diễn tả đầy đủ ý nghĩa nhất của quyển sách này có thể được ghi là: Thưởng thức âm nhạc (dù chưa biết nhạc).

2.  Sự gắn kết giữa hòa âm và hòa sắc: Nhìn chung, hòa âm (harmony) là một môn học vừa khó, vừa khô, vì đụng chạm rất nhiều đến các quy tắc và kỹ thuật hòa thanh trong toàn bộ cấu trúc tác phẩm âm nhạc. Hòa âm không dễ như ca từ, mà chúng ta thoải mái phân tích về mặt văn chương, thi phú. Trong âm nhạc, người ta sử dụng thuật ngữ hòa âm và hòa thanh thay thế lẫn nhau. Ngay trong Chương 1, tác giả nhấn mạnh ngoài hòa thanh còn phải lưu ý đến yếu tố tinh tế của hòa sắc thì tác phẩm mới hoàn mỹ. Do đó, có thể tạm viết công thức “tam hòa thanh sắc” như sau:

Hòa âm = hòa thanh + hòa sắc

Hòa sắc đòi hỏi phải nghiên cứu môn học về “tính năng nhạc cụ” (instrumentation). Thật vậy, mỗi nhạc cụ đều có âm sắc riêng, kỹ thuật trình tấu khác biệt, nhưng khi hòa đàn với nhau phải hòa quyện vào nhau, tạo được cảm xúc ấn tượng cho người nghe. Ví dụ, vẫn là note Do đó, nhưng khi vang lên trên guitar gỗ, sẽ khác với guitar điện, piano hay saxophone… Trong một chiều hướng khác, việc chọn âm sắc hay nhạc cụ không khéo có thể làm hỏng cả bản nhạc. Ở trường nhạc, người ta tách hòa thanh và hòa sắc thành hai môn học khác nhau để tiện xếp lớp, nhưng trong dàn nhạc, chúng là hai yếu tố cùng tồn tại trong một chỉnh thể thống nhất, bất khả phân ly, giống như hai mặt của bàn tay vậy. Quý độc giả yêu thích hòa âm mà không có điều kiện học hệ dài hạn thì có thể liên hệ Trường Âm nhạc B.A.C.H để thỏa mãn niềm đam mê đó ở hai khía cạnh: tính học thuật và tính khả thi. Có thể tham khảo sách của cùng tác giả “Hòa âm truyền thống từ Thời cổ điển đến Thời hiện đại (2003).

Lời giới thiệu sách “Thưởng thức âm nhạc”   |   Bài: mộc.quốckhanh

3.  Cập nhật Lịch sử âm nhạc thế giới đương đại: Trong một số đề cương về Lịch sử âm nhạc thế giới, có tài liệu chỉ dừng lại ở thời kỳ Lãng mạn (thế kỷ XIX) hoặc ít đề cập đến âm nhạc thế kỷ XX, trong khi thế giới đã bước vào thế kỷ XXI hơn một thập niên. Như vậy, ít nhất 100 năm đầy biến động của thế kỷ XX đã không được nhắc tới, mà bỏ qua hoạt động âm nhạc của giai đoạn này tức cũng bỏ qua hòa âm thế kỷ XX, vốn được đánh giá có nhiều màu sắc sáng tạo độc đáo. Có cảm tưởng như hết thời kỳ lãng mạn, chúng ta rơi vào “nhiệm kỳ lãng quên”. Trong khi đó, ở nước ngoài người ta cập nhật kịp thời những xu hướng nổi bật của từng thời đại trong dòng chảy lịch sử âm nhạc thế giới sôi động. Tác giả đã phát hiện và bổ sung phần thiếu đó. Cụ thể, sau khi bàn về Âm nhạc thời kỳ Lãng mạn ở Chương 8, tác giả đã viết thêm ba chương nữa, bao gồm:  Chương 9 - Nhạc ấn tượng và nhạc đầu thế kỷ XX, Chương 10 - Âm nhạc bên ngoài phòng hòa nhạc và Chương 11 - Những khuynh hướng mới.

4.   Gợi ý tài liệu nghe-nhìn đặc sắc (audio-video): Ở cuối mỗi chương, tác giả liệt kê rất nhiều đường dẫn trực tuyến (links) để minh họa thực tế cho phần trình bày lý thuyết trước đó. Quý độc giả sẽ tự trải nghiệm mức độ cảm thụ âm nhạc của mình nhờ hiệu ứng audio-video được khai thác tối đa trong thời đại ngày nay. Khi đề xuất những đường links này, tác giả đã chọn lọc trước những phần trình diễn âm nhạc hấp dẫn và đặc sắc nhất, giúp quý độc giả đỡ tốn thời gian tìm kiếm trên Internet, mà đôi khi sẽ bị lúng túng vì có quá nhiều phần trùng lắp. Ngoài ra, cấu trúc quyển sách gồm 11 chương, dầy khoảng 300 trang này còn có thêm giá trị khi tác giả rất cẩn trọng trình bày phần cước chú (footnote) phong phú cho mỗi trang sách, phản ánh tinh thần làm việc nghiêm túc trong nghiên cứu học thuật.

mộc.quốckhanh & TS-Nhạc trưởng Nguyễn Bách tại Trường Âm nhạc B.A.C.H

5.  Ảnh hưởng của Woodstock đến Việt Nam: Phần lớn những người yêu thích và theo dõi âm nhạc thế giới ít nhiều đều nghe nói đến sự kiện đại hội nhạc rock Woodstock nổi tiếng được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Bethel, New York vào năm 1969. Tuy nhiên, trừ những người trưởng thành cùng thời với tác giả, có lẽ ít ai biết rằng Woodstock đã có tầm ảnh hưởng đến nhạc trẻ Việt Nam thông qua ba lần tổ chức Đại hội Nhạc trẻ ở Sài Gòn trong giai đoạn 1971-1974. Tác giả thuộc một trong những ban nhạc trẻ có tên tuổi thời bấy giờ như Crazy Dogs, Dreamers, Uptight, CBC, Peanuts Company… và cũng góp mặt trong Đại hội Nhạc trẻ lần 2 kéo dài 3 ngày. Dù chỉ được ghi vài dòng khiêm tốn trong phần cước chú của Chương 10, nhưng chi tiết về Woodstock này cũng đáng được nhắc lại, cho thấy sự tiếp cận và phản ứng nhanh nhạy của giới trẻ Sài Gòn trong việc hưởng ứng phong trào phản kháng, phản chiến và kỷ nguyên hippie của thập niên 1960 (xuất phát từ Mỹ và Anh, rồi lan rộng sang nhiều nước khác).




Sài Gòn, ngày 01/07/2017
ThS. NS. Mộc Quốc Khanh

Musically yours,
-----
mộc.quốckhanh
(a.k.a. Kingsley Truman Tran)
moc.quockhanh@gmail.com
09 06 99 99 00

f/ mocquockhanh  |  f/ mocthekhong

mocquockhanh.blogspot.com | Slogan: gìn Nàng giữ Nhạc
mocphuckhang.blogspot.com  |  Slogan: gìn Lộc giữ Lời
mocthekhong.blogspot.com  |  Slogan: gìn Đời giữ Đạo




Friday, January 27, 2017

Nhớ PHAN KHANH - Nhờ PHAN KHANH - Nhỡ PHAN KHANH


nh PHAN KHANH,

nh PHAN KHANH

& nh PHAN KHANH


Sài Gòn, 27/01/2017                                    mộc.quốckhanh

Vào buổi sáng ngày 16/01/2017, chúng tôi hay tin về Nhạc sĩ Phan Khanh (1956-2017). Đang chuẩn bị ghi lại những dòng hồi tưởng về anh thì gia đình chúng tôi phải vội vàng khăn gói về quê lo việc hậu sự cho người thân. Nay mọi việc đã vâng ý Chúa qua lời dạy của Thánh Francesco d'Assisi “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Giờ đây chỉ còn một mình với những kỷ niệm về anh.

Trong những ngày giáp Tết bề bộn ngổn ngang sau việc hậu sự, chúng tôi chỉ muốn nghỉ ngơi và không có tâm trạng viết. Tuy nhiên, trên đoạn đường dài trở về Sài Gòn, thấy từng góc phố quen thuộc đông vui trong không khí mọi nhà, mọi người dù ở gần hay ở xa đều nô nức quay về mái ấm gia đình, hướng về cái Tết truyền thống bao đời nay sau một năm làm việc và học tập vất vả, tự nhiên chúng tôi thấy lòng mình khỏe lại, nỗi buồn nhỏ riêng được chia sẻ bằng niềm vui chung lớn.

Chưa biết viết về NS Phan Khanh như thế nào, thì thật may chính cái chất Nam bộ đặc trưng cộng với cái tính hài hước của anh là nguồn cảm hứng để ghi lại những nét chấm phá về anh.

1. Nhớ PHAN KHANH
Người hình khối nhỏ, xe phân khối lớn
Đó là một người đàn ông có vóc dáng nhỏ, gầy với khuôn mặt nhìn có vẻ khắc khổ, đầy phong trần, phiêu lãng.
Nét mặt quàu quạu
Không nhậu rượu bia
Giọng nói lè nhè
Da dẻ đỏ gay
Cứ tưởng đang say
Mà không phải vậy.

Chắc hẳn bạn bè thân hữu của anh đều thừa nhận cái “đặc điểm nhận dạng chung” đối với nhân vật đặc biệt này. Bề ngoài trông khó tính vậy, nhưng khi trò chuyện thân tình rồi thì cái ấn tượng ban đầu đó tan biến mất, nhường chỗ cho cái tính hài hước kiểu “Phan Khanh”.

Người nhỏ con vậy, nhưng lại thích đi xe phân khối lớn, lại còn đeo cái ba-lô vác máy tính xách tay nặng trịch sau lưng. Khi anh ngồi lên xe, thấy anh lọt thỏm giữa khoảng trống mênh mông. Nói nôm na là “khối thép chèn ép khối thịt”. Cái chi tiết tương phản này là điều mà chúng tôi thường trêu anh cho vui.

Đây cũng là con người yêu ghét rõ ràng, không có chuyện “đãi bôi”, “ỡm ờ” hay “lửng lơ con cá vàng” à nha. Một hôm có chuyện gì đó làm anh bực mình lớn tiếng, tôi trêu “Anh ơi, chỉnh volume nha, tiếng treble hơi bị gắt đó”.

Chính bản thân anh cũng tự họa chân dung mình: “Khó chịu nhưng dễ gần, thích tào lao nhưng ghét nhiều chuyện, hay nói thẳng nên bạn thân ít, bạn ghét nhiều”.

Khẩu khí thì rất là dữ dằn, nhưng trong tâm anh thì không có ác ý, mà các cụ thường dạy là “khẩu xà, tâm Phật”.

Ở tuổi 55 vẫn còn lên đỉnh 600!
Trong gần 30 năm hoạt động âm nhạc, NS Phan Khanh không những đã viết nhiều ca khúc, mà còn sáng tác nhiều đề tài đa dạng về phong trào, tình yêu, nhạc hài, ca khúc cho sân khấu kịch nói. Anh cũng đoạt giải thưởng và huy chương trong những năm tháng yêu nghề.

Trong cuộc vận động sáng tác văn học-nghệ thuật nhân kỷ niệm 35 năm thành lập lực lượng TNXP TPHCM, NS Phan Khanh đạt giải nhất với nhạc phẩm "Tình ca trên đỉnh 600" (2011). Biết tin vui anh nhận vinh dự lúc 55 tuổi, bạn bè thân hữu trêu anh: “Trời, ở tuổi 55 vẫn còn lên đỉnh 600 được sao?
"Lúc tham gia, tui đâu có nghĩ mình đoạt giải gì đâu, chỉ là cơ duyên thôi. Một hôm tình cờ lật tờ báo cũ thấy cuộc thi sáng tác vẫn còn thời hạn đăng ký làm mình sực nhớ đến ca khúc bị lãng quên từ lâu. Ai ngờ gửi thử mà gặt thiệt”, anh cười khoái chí.

Nhiều người yêu thích các ca khúc của NS Phan Khanh bởi sự giản dị, tính mộc mạc đúng chất Nam bộ của anh. Ngoài ra, anh cũng chọn lọc phổ nhạc cho những bài thơ của giới thi sĩ thân hữu mà anh tâm đắc ở phần nội dung. Trong số đó, có bài “Mơ hồ” (thơ: Phan Ngọc Thường Đoan, trình bày: CS Mỹ Hạnh) được anh nhắc đến nhiều nhất. Đây thực sự là một bài thơ phổ nhạc hay, nên sau này có nhiều ca sĩ khác thể hiện.

Điều đáng trân trọng là những thành quả mà anh đạt được trong âm nhạc chủ yếu là nhờ nỗ lực tự học, trong đó tự học sáng tác là điều mang lại cho anh nhiều cảm hứng nhất.

Không có thằng nhạc sĩ nào ký âm như vậy
Khi thân tình, tôi hẹn gặp đưa anh xem mấy bản nhạc. Anh liếc sơ qua vài trang rồi phán một câu xanh dờn:
- “Thời này không có thằng nhạc sĩ nào ký âm như vậy”.

Trời đất, ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, anh muốn hạ đo ván tôi luôn. Cuộc gặp hôm đó chỉ có hai người, thì cái ‘thằng’ đó là tôi chứ ai, chưa kể tôi kém anh 13 tuổi lận.
- “Dạ, em không phải nhạc sĩ anh ơi”, tôi chống đỡ.

Anh lắc đầu nói không bàn chuyện làm nghề nhạc sĩ chuyên nghiệp hay tài tử, mà thời buổi này ai lại rảnh viết bản ký âm trau chuốt, kỹ lưỡng quá. À, thì ra anh tỏ ý “phật lòng” về cái hình thức trình bày bản nhạc của tôi.

Từ trái sang phải: PV Xuân Sơn, GS-TS-NS Thế Bảo, PV Lương Minh, NS Phan Khanh,
LS Cao Sang, mộc.quốckhanh & TS-Nhạc trưởng Nguyễn Bách (2011).

Chúng tôi sử dụng phần mềm soạn nhạc Encore nhờ tài liệu chuyển ngữ của NS Huy Liêm, NS Nguyễn Hạnh. Trong Encore, để canh lề giữ lối thẳng hàng và cách đều nhau giữa nhạc và lời, phải tốn công làm tay từng note một, từng chữ một cho cả bài hát, chứ không phải bằng một vài câu lệnh đơn giản như phần mềm soạn thảo văn bản. Sau khi ký âm như vậy, bàn tay tôi mỏi rã rời, không thể cầm viết hay làm gì khác.


Bằng con mắt nhà nghề, NS Phan Khanh biết tôi dành rất nhiều thời gian cho bản ký âm. Sau đó, anh mới nhẹ nhàng nói:
- “Sự kỹ tính cho thấy sự nghiêm túc trong công việc”.
Vậy là tôi có kinh nghiệm đầu tiên với NS Phan Khanh. Trước khi động viên điều gì, anh ấy “dập” mình trước, vừa đập vừa xoa, đúng hơn là đập trước, xoa sau.

Cảm ơn những người biên tập âm nhạc
Có lần trong quán café nhỏ vào một chiều Sài Gòn cuối tuần mát mẻ, anh “khoe” đang viết một bài nhận định tác giả-tác phẩm âm nhạc mà anh tâm đắc. Anh xoay màn hình máy tính xách tay về phía tôi cho dễ đọc. Tôi tính kéo lên đầu bài thì anh chặn lại. Như không muốn “lộ hàng” hết, anh không cho tôi xem tựa đề bài viết, viết về ai…
- “Tập trung vào cái đoạn gay cấn này nè”, anh tỏ vẻ đắc chí.

Tôi đọc đúng cái đoạn anh đánh dấu khối, rồi tỉnh bơ:
- “Không phải gay cấn, mà là gay gắt trong lấn cấn”.

Anh cười khà khà, không quên trách “cái thằng này thiệt”.

Như bị bệnh nghề nghiệp, tôi phát hiện trong một đoạn văn dài, anh chưa chấm câu, ngắt dòng. Dường như biết thế nào tôi cũng góp ý điểm đó, anh ra hiệu giữ yên lặng, đóng máy tính xách tay lại, rít một hơi thuốc, rồi nhả làn khói bay hờ hững trong cái… không gian tiêu khiển. Chợt phát hiện có cơ hội chọc quê tôi, anh bồi liền: “Mà soạn thảo kỹ như em thì ban biên tập không có việc gì làm à?

Sau câu nói bông đùa, anh trải lòng: “Thật tình thì những bài viết nhận định âm nhạc của anh mà em đọc thấy trình bày lớp lang, câu cú rõ ràng, dấu chấm, dấu phẩy, dấu hỏi, dấu ngã…, thì anh đâu có làm, mà nhờ mấy anh em biên tập sửa giúp không đó. Anh cảm ơn tụi nó rất nhiều!

Chúng tôi biết có những anh chị em biên tập ở tòa soạn gọi NS Phan Khanh là anh, là chú, là bác hoặc thậm chí là ba rất đỗi thân tình, và họ vốn đã quen với cách soạn thảo văn bản theo kiểu “giang hồ” của anh. Khi đọc tới đây, chắc hẳn họ sẽ cảm thấy ấm lòng vì sự ghi nhận công sức mà NS Phan Khanh dành riêng cho họ.

Thế đấy, một người anh quý trọng tình nghĩa đối với bạn bè thân hữu đã giúp mình, chứ không có kiểu “của người, phúc ta”. Chúng tôi cảm thấy thương mến một người nhỏ con như anh, còn phải mang chiếc máy tính xách tay nặng nề sau lưng, với đôi bàn tay gân guốc, đủ sức gõ chậm từng con chữ một với nhiều điều trăn trở trong đời sống âm nhạc. Gõ cho tới khi mệt óc, mỏi tay, mờ mắt thì dừng lại nghỉ, đâu còn thời gian để chỉnh sửa câu cú, mà đằng sau anh còn biết bao nhiêu việc phải lo toan cho gia đình, con cháu.

Từ đó, chúng tôi nghiệm ra rằng việc biên tập văn bản là cần thiết và nên hết sức nhẹ nhàng, đừng biến nó thành cái thói bắt bẻ câu chữ, vốn trở nên quá nhỏ nhoi so với tình cảm và sự chân thành của một con người.

Gọi TS-Nhạc trưởng Nguyễn Bách là “kẻ đốt đền”
Trong năm 2011, có một bài báo với tựa đề “Nhạc sĩ Nguyễn Bách: Kẻ đốt đền?” (X.Sơn-M.Tâm thực hiện, Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, số 19, 2011), trong đó có giới thiệu về quyển sách “Lý thuyết âm nhạc căn bản” (NXB Thanh Niên) của Nguyễn Bách.

Bài viết này gây sự chú ý với lời nhận xét đặc biệt theo “khẩu khí giang hồ” của NS Phan Khanh về quyển sách:
NS Nguyễn Bách đã làm chuyện của kẻ “đốt đền”, sẽ nổi tiếng “tốt và xấu” đình đám trong cộng đồng dân cư âm nhạc… Tốt cho những “môn đồ” mới ngập ngừng bước vào ngôi đền âm nhạc, họ sẽ dễ dàng “ngộ” ra chân pháp mà không cần thiết phải khổ nhục tu luyện... Tiếng xấu là dám xô ngã “tượng đài” giáo điều mà các tu sĩ đã ngàn năm xây dựng và “cố thủ”. Tội hay công? Trăm năm sau mới có câu trả lời. Nhưng trước hết NS Nguyễn Bách đã có công kéo “chiếc diều” học thuật xuống gần hơn, bởi người có học thuật thì đếm trên đầu ngón tay mà kẻ ngoại đạo thì đi đâu cũng thấy. Nên cần lắm những kẻ “đốt đền” như NS Nguyễn Bách!

Vào ngày đi viếng anh Phan Khanh (trong con hẻm nhỏ tại số 62/2/10B Nguyễn Lâm, Quận Phú Nhuận), TS-Nhạc trưởng Nguyễn Bách chân tình nói: “Anh rất cảm ơn NS Phan Khanh về lời nhận xét đó. Chuyện đúng sai không quan trọng, nhưng anh Phan Khanh đã nói lên được một phần suy nghĩ của anh, và chỉ có anh ấy mới dám sử dụng những từ ngữ chân tình, thẳng thắn như vậy!

2. Nhờ PHAN KHANH
“Ngồi trông con suối lau mình” thực là một cảnh gợi tình
Thật tình chúng tôi không có ý định nói về ca khúc “Những cơn mưa vô thường” ở đây, biết rằng tác phẩm này đã tạo sự gắn kết đặc biệt giữa NS Phan Khanh và gia đình chúng tôi. Sau khi CD Album “Những cơn mưa vô thường” ra mắt vào năm 2011, đã có một số bài viết đánh giá nhận định, và gia đình chúng tôi rất cảm ơn các anh/chị/em phóng viên báo đài về sự động viên khích lệ này.

Sang năm 2012, anh Phan Khanh cho biết đang có ý định không phải đánh giá mà là “quánh giá” bài này cho nó tơi bời hoa lá thì mới hả dạ. Nghe anh “hăm dọa” dữ quá, tôi thấy vui trong lòng vì chính anh cũng nói nhạc phẩm này đã được nhiều phương tiện truyền thông nhắc đến rồi. Thấy vui trong lòng là nói tế nhị, chứ nói toạc móng heo là tâm lý cầu danh vẫn chưa nguội lạnh. Thôi cũng đành, anh cho thì em xin!

Sau đó anh “quay” tôi như dế. Anh đặt nhiều câu hỏi khác nhau, khi thì gặp trực tiếp, khi thì qua điện thoại về hoàn cảnh sáng tác, chủ đề âm nhạc, chủ đề tư tưởng, đặc biệt là những câu hỏi “bên lề” mà anh muốn khoét sâu thêm.
- “Tại sao em viết câu Ngồi trông con suối lau mình”?, anh phỏng vấn.
- “Dạ, đó là một khung cảnh thiên nhiên lãng mạn để chuẩn bị dẫn tới…”, tôi đáp vấn.
- “Dẫn tới cái gì?”, anh ngắt ngang truy vấn.
- “Dạ, dẫn tới sự vô thường của tình yêu ở đoạn cuối”, tôi nhẹ nhàng tư vấn.
- “Tầm phào!”, anh kết vấn.

Quý vị đọc tới đây chắc hẳn cũng cảm thấy buồn cười, còn cuộc đối đáp trực tiếp giữa chúng tôi lúc đó rất là vui nhộn. Nhấm vài giọt café ngọt đắng, anh nhẹ nhàng khuyên bảo đừng bao giờ đem cái sự vô thường ra “giảng đạo” cho anh ở đây. Anh đã có gia đình vợ con, em cũng vậy, ai cũng trải nghiệm về cuộc đời vô thường mà. Nhưng có những chuyện rất đời thường giữa những người đàn ông với nhau thì có gì phải giấu hả em.

Thấy anh dịu giọng bất ngờ quá, tôi cũng hạ giọng… tỉnh bơ lạ.

Để kết thúc cuộc “điều tra” về cái tứ “ngồi trông con suối lau mình”, tôi giở nhanh tập nhạc thuật lại hoàn cảnh sáng tác ca khúc, trong đó ghi rõ lòng khát khao phác họa một bức tranh thủy mặc ca ngợi tình yêu con người trong cõi vô thường đầy biến ảo.

Quá sốt ruột về cách giải thích của tôi mà từ nãy tới giờ vẫn… “chưa trùng khớp ý với bác” (tức tôi chưa gãi đúng chỗ ngứa của NS Phan Khanh), anh phán luôn:
- “Ngồi trông con suối lau mình… thực là một cảnh gợi tình!”

Trời đất, tôi bị “sốc” toàn tập luôn!
Theo thiển ý của tôi, đó là một bức tranh thủy mặc.
Theo thâm ý của anh, đó là cảnh gợi tình cô đặc.
Một bức tranh thủy mặc thì quá trừu tượng đầy mông lung, còn cảnh gợi tình cô đặc thì rất cụ thể đầy nhớ nhung.

Vậy đó, anh muốn giải mã bức tranh tình đó theo một cách thức giản dị nhất, dễ hiểu nhất mà ai cũng cảm nhận được. Thật tình lúc ấy, tôi ước gì anh sẽ bỏ ý tưởng viết theo cách đó, vì tôi sợ “mất tự chủ” đối với tác phẩm của mình. Nhìn vẻ mặt lo lắng của tôi, anh trấn an “cảnh gợi tình đó đẹp mà sao em phải lo”.

Tôi biết mình không thể nào thay đổi cách nghĩ của anh, vì cơ duyên đã đưa gia đình chúng tôi được gặp anh trong cuộc đời này. Và tôi cũng tự biết rằng nếu cứ cố lái người khác theo cái lối mòn suy nghĩ của mình thì chẳng phù hợp với tinh thần văn nghệ chút nào cả.
-       Thôi, anh làm ơn làm phước viết thật nhẹ nhàng anh nhé”, tôi vớt vát cú chót.

Sau khi bài viết của NS Phan Khanh được đăng báo với tựa đề “Nàng-Nhạc song hành” (Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, số 25, 2012), tôi rất hồi hộp lo lắng không biết liệu anh ấy có “phang ngang” điều gì khác không. Đọc xong bài viết của anh, Mộc Thanh Nga vợ tôi nói bác Phan Khanh viết hài hước dễ thương quá, còn tôi thở phào nhẹ nhõm.

Quả vậy, nếu bây giờ thử cắt bỏ hết phần bình luận của đoạn “ngồi trông con suối lau mình” ra, bài viết sẽ không còn sự sắc bén như phong cách Phan Khanh nữa. Gia đình chúng tôi rất biết ơn anh về điều này, và nhờ Phan Khanh mà “Những cơn mưa vô thường” có thêm một góc nhìn khác.

Từ trái sang phải: NS Quỳnh Hợp, mộc.quốckhanh, Mai Quỳnh, NS Phan Khanh,
NS Thanh Bình, NS Đức Thịnh & CS Duy Thủy (2012).

Thầy Bách khen Phan Khanh
Sau khi đọc bài “Nàng-Nhạc song hành” của NS Phan Khanh, TS-Nhạc trưởng Nguyễn Bách cũng có đôi lời: “Chúc mừng Song Khanh với bài báo long trọng ở Tạp chí Âm nhạc Việt Nam. Cả người viết và người được viết đều xuất sắc”. Anh Bách có ý chơi chữ “Song Khanh” là vì tôi trùng tên với anh Phan Khanh.

Tôi hẹn gặp riêng anh Phan Khanh, đưa nguyên văn lời chúc của anh Bách cho anh ấy xem, nói anh Bách có chút gửi gắm đặc biệt cho anh nè. Đọc hết những dòng chúc mừng của anh Bách, anh Phan Khanh nhíu mày:
-       Anh mà cũng được thầy Bách chấm nữa hả em?

Dù cả hai anh cùng đồng trang lứa với nhau, nhưng khi nói về anh Bách, anh Phan Khanh thường xưng hô thầy Bách. Anh nói tưng tửng vậy thôi chứ tôi biết trong lòng Phan Khanh rất là hoan hỷ!

3. Nhỡ PHAN KHANH
Sau hai đoạn viết về ‘nhớ Phan Khanh’ và ‘nhờ Phan Khanh’, lẽ ra có thể kết thúc tại đây. ‘Nhớ Phan Khanh’ như muốn nhắc lại nhiều kỷ niệm đẹp xưa cũ giữa anh với bạn bè thân hữu, còn ‘nhờ Phan Khanh’ là lời cảm ơn chân thành nhất từ gia đình chúng tôi có may mắn được anh thương mến nhận xét trong bài viết “Nàng-Nhạc song hành”.

Vậy thì nguyên do gì để chúng tôi đẩy câu chuyện lên một nấc mới là ‘nhỡ Phan Khanh’? Nhỡ tức là hụt mất, là không theo kịp, và ‘nhỡ Phan Khanh’ nên hiểu như thế nào cho thấu tình đạt lý đây?

Ngồi đọc lại bài viết “Nàng-Nhạc song hành”, chúng tôi chợt thấy có đoạn ghi: “Một phép đảo âm dương hợp lý hay cái mặc nhiên ‘vô thường, thị thường’ mà cũng rất đời thường của nhà Phật”. Hai chữ “nhà Phật” xuất hiện một lần duy nhất trong bài viết, dù trong những lần gặp gỡ, chưa bao giờ chúng tôi đề cập đến vấn đề tôn giáo. Tôi cảm thấy như được thêm phần khích lệ vì cái duyên lành này như muốn nhắc nhở “khả năng kết nối” giữa anh với chúng ta trong một cõi mới.

Từ trái sang phải: mộc.quốckhanh (keyboard), PV Xuân Sơn,
TS-Nhạc trưởng Nguyễn Bách (hát) & NS Phan Khanh (guitar) (2012).
Sự kiện ngày 16/01/2017 vừa qua hàm ý rằng anh Phan Khanh chỉ tạm ngưng trò chuyện ca hát với chúng ta thôi, chứ anh ấy không chết như cách chúng ta nghĩ. Xét cho cùng, không hề có cái chết, vì không có một thế lực nào có thể hủy diệt thần thức của anh một cách vĩnh viễn ra khỏi đời sống này, vốn chẳng có bắt đầu và kết thúc. Đây là chân lý tuyệt đối theo quan niệm triết học Phật giáo và Thần học Ki-tô giáo, mà đôi khi chúng ta vô tình lãng quên.

Cột mốc 16/01/2017 chỉ đơn giản đánh dấu một thời điểm mà kể từ đó anh Phan Khanh đã bước vào một cõi an vui mới. Là đàn em hay bạn bè thân hữu của anh Phan Khanh, lẽ nào chúng ta lại đau buồn vì anh ấy được an vui? Lẽ nào chúng ta lại đau khổ vì anh ấy được sung sướng? Chắc chắn không ai trong chúng ta có ý nghĩ đó. Nhưng cũng phải thừa nhận chúng ta đang buồn thương tiếc nhớ anh Phan Khanh, vậy chúng ta đang buồn vì điều gì? Cần minh định rằng chúng ta buồn vì chưa đạt đến cõi an vui đó, chúng ta buồn vì đã lỡ chuyến “tàu tâm linh” đưa chúng ta đồng hành cùng Phan Khanh. Đó mới là nỗi buồn có lý do chính đáng.

Tuy nhiên, điều may mắn là nỗi buồn này sẽ không kéo dài vô tận đâu mà lo, tức kiểu gì chúng ta cũng sẽ thoát khỏi nỗi buồn đó mà thôi. Nói cách khác, chuyến “tàu lượn tâm linh tự lái” đó sẽ không lỗi hẹn với chúng ta mãi mãi, mà nó sẽ còn quay trở lại trong một ngày nào đó. Chuyến tàu đặc biệt này không chạy bằng xăng, nên không gây ô nhiễm môi trường, không tốn chi phí cầu đường và cũng không bao giờ sợ hết xăng. Nó chạy tới chạy lui, chạy xuôi chạy ngược, lượn qua lượn lại, lượn mãi không thôi, chẳng hề mệt mỏi bằng một nguồn năng lượng vô cùng vô tận, gọi là nghiệp lực (karma) của mỗi cá nhân chúng ta đã tạo ra, duy trì, tích lũy trong kiếp sống này và cho những đời sống tiếp nối khác.

Khi chuyến “tàu lượn tâm linh tự lái” đó quay lại rước thêm những lữ khách đang lang thang trong cõi vô thường này, đó cũng chính là lúc chúng ta tạm để lại cái xác phàm đang dần dần tan rã theo quy luật vô thường, đặt hết mọi gánh nặng cuộc đời xuống lòng đất, rồi tâm thức chúng ta thảnh thơi “chuyển hệ” bước lên chuyến tàu đó. Đó là sự chuyển hóa thăng hoa!

Hữu duyên gặp lại các anh
Vô duyên cũng gặp tinh anh luân hồi.

Tức là cho dù còn có cơ duyên hay không, trong những đời sống tái sanh mới, chúng ta vẫn sẽ làm lại, gặp lại, yêu lại, thương lại, đàn lại, hát lại… với vô lượng vòng lặp như thế.

‘Nhỡ Phan Khanh’ được xem như một dấu lặng tròn đầy để chúng ta có dịp sống chậm lại, trân trọng từng phút giây quý giá ngay trong kiếp sống này, ngay trong hơi thở này.

Để không có gì phải luyến tiếc
Vì chẳng có ai để tiễn biệt
Để không có gì phải thương tiếc
Vì chẳng có ai để vĩnh biệt!

Ý tưởng & Thủ bút: mộc.quốckhanh.

mộc.quốckhanh
(Sài Gòn, 27/01/2017)

Musically yours,
-----
mộc.quốckhanh
(a.k.a. Kingsley Truman Tran)
moc.quockhanh@gmail.com
09 06 99 99 00

f/ mocquockhanh  |  f/ mocthekhong

mocquockhanh.blogspot.com | Slogan: gìn Nàng giữ Nhạc
mocphuckhang.blogspot.com  |  Slogan: gìn Lộc giữ Lời
mocthekhong.blogspot.com  |  Slogan: gìn Đời giữ Đạo



Nhạc sĩ Phan Khanh
§    Tên thật: Phan Văn Khanh.
§    Sinh năm: 1956 tại Long Xuyên, An Giang.
§    Giải nhất Cuộc vận động sáng tác văn học-nghệ thuật nhân kỷ niệm 35 năm thành lập lực lượng TNXP TPHCM (1976-2011) với ca khúc "Tình ca trên đỉnh 600" (2011).
§    Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa Thông tin (2001).
§    Hội viên Hội Âm nhạc TPHCM (1990).
§    Cựu TNXP (bắt đầu hoạt động âm nhạc thời TNXP năm 1980).
§    Cựu chủ nhiệm CLB sáng tác ca khúc Cung Văn hóa Lao Động.
§    Sáng tác nhiều đề tài về phong trào, tình yêu, nhạc hài, ca khúc cho sân khấu kịch các vở: Cuộc sống tươi đẹp (ĐD Nguyễn Lâm, SK 5b Võ Văn Tần), Cây dùi vàng (ĐD NSND Phạm Thi Thành), Bóng đá ôi! Bóng đá (ĐD Minh Hải), Thay rể (ĐD Minh Hoàng), Tiền ơi là tiền! (ĐD Minh Nhí, SK Hồng Vân)…
§    Tự học sáng tác.

Tác phẩm:
1.        Sài Gòn ngày ấy (Lê Tuấn, Duy Hòa)
2.        Mơ hồ (Mỹ Hạnh, Nghi Văn, Vân Trường, Duy Thủy, Thúy Loan)
3.        Mười năm (Vân Trường, Duy Hưng)
4.        Em cứ đi (Duy Hưng)
5.        Đâu biết em ra đi (Vân Trường, Duy Hưng)
6.        Biển buồn (Vân Trường)
7.        Em ơi mưa rơi (Vân Trường, Đình Văn, Quốc Đại)
8.        Bóng đá cuộc đời (Hoàng Lan)
9.        Ghen (Hoài Linh, Bảo Liêm-Vân Sơn, Quốc Anh-Vũ Khanh, Đình Văn)
10.      Độc thân (Hồng Tơ)
11.      Xa rồi tình ơi (Vân Trường, Phan Vĩnh Kỳ)
12.      Vội vàng (Duy Thủy)
13.      Những điều em chưa biết (Lâm Chấn Huy)
14.      Dẫu là sương khói (Duy Thủy, Minh Thúy)
15.      Hãy dừng lại cơn mê
16.      Vết tình đau (Bông Mai)
17.      Tam Nông mùa nước nổi (Bích Phượng)
18.      Thương lắm Cần Thơ (Lê Vy)
19.      Người lính QK 9