GIỚI THIỆU SÁCH “NHẠC HỢP XƯỚNG
SÀI GÒN” CỦA TIẾN SĨ NGUYỄN BÁCH
SÀI GÒN” CỦA TIẾN SĨ NGUYỄN BÁCH
Là một trong những người may mắn được “kết bạn” với giới văn
nghệ sĩ trí thức thuộc thế hệ đàn anh đi trước, trong đó có Tiến sĩ-Nhạc trưởng
Nguyễn Bách, chúng tôi được tiếp thu nhiều kiến thức âm nhạc bổ ích, giúp thăng
hoa và truyền tải năng lượng tích cực vào đời sống thường nhật.
Trong suốt giai đoạn 2010-2018, chúng tôi chứng kiến nhiều
công trình nghiên cứu âm nhạc nghiêm túc của tác giả, cứ lần lượt ra đời một
cách không mệt mỏi, mà cũng chưa thấy điểm dừng dù chỉ là thoáng qua trong trí
tưởng tượng mơ hồ. Thật vậy, trong tủ sách đồ sộ của Nguyễn Bách, đến nay cũng
gần 40 quyển với đầy đủ chuyên đề mà có khi chính tác giả cũng không thể nhớ hết,
chúng tôi đặc biệt yêu thích bốn quyển sách như sau:
Bìa sách "Nhạc hợp xướng Sài Gòn" của Nguyễn Bách |
1. Lý thuyết âm nhạc cơ bản (NXB Thanh Niên – 2011);
2. Thuật ngữ âm nhạc Việt-Anh-Ý-Pháp-Đức (NXB Thanh Niên – 2011);
3. Thưởng thức âm nhạc (NXB Tổng hợp TP.HCM – 2017);
4. Hòa âm truyền thống từ Thời cổ điển đến Thời hiện đại (NXB Trẻ – 1998, NXB Âm nhạc tái bản – 2003).
Lý do chúng tôi đặc biệt yêu thích bốn quyển sách nói trên bởi
vì chúng nằm trong số những tài liệu không thể thiếu, có thể nói là gối đầu
giường dành cho giới sáng tác ca khúc chuyên nghiệp, kể cả nghiệp dư.
Như tiếp tục bổ sung vào tủ sách của riêng mình, quyển mới nhất vừa mới ra lò của Nguyễn Bách có nhan đề “Nhạc hợp xướng Sài Gòn” (NXB Tổng hợp TP.HCM – 2018). Thú thật, đây là đề tài mang tính học thuật cao, ngoài khả năng của chúng tôi, nên chưa thể cảm thụ được trọn vẹn như bốn quyển sách vừa nêu. Tuy nhiên, thật may mắn chúng tôi được tác giả tin tưởng gửi đọc toàn bộ bản thảo để hiệu đính ngôn ngữ, nên ít nhiều cũng học lỏm đôi chút trong những lần gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nhau.
Được biết trước đó công trình nghiên cứu “Nhạc hợp xướng tại Tp.HCM trước và sau 1975” đã giúp Nguyễn Bách bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Âm nhạc học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với kết quả thông qua tuyệt đối của Hội đồng đánh giá dưới sự hướng dẫn của PGS. TS. Trần Thế Bảo vào năm 2015 sau ba năm miệt mài nghiên cứu (2012-2015).
mộc.quốckhanh & Tiến sĩ Nguyễn Bách |
Nhớ có lần sau khi tác giả tổ chức chúc mừng sự kiện này, chúng tôi “dạm” hỏi:
- “Sao anh không “ngắt, xén” một phần trong luận án để viết sách thì sức lan tỏa mới hiệu quả hơn?”
- “Thật ra anh có ý tưởng này từ lâu rồi. Chờ hoàn tất quyển “Thưởng thức âm nhạc” rồi mới rộng đường tính tiếp”, anh nói.
Như vậy, sau khi nhận văn bằng Tiến sĩ Âm nhạc học vào năm 2015, tác giả hoàn tất việc biên soạn quyển “Thưởng thức âm nhạc” vào ngày 17/07/2017 mà chúng tôi được vinh dự viết lời giới thiệu nguyên một trang cho một ấn phẩm in màu trang trọng, dầy 230 trang. Tuy nhiên, điều thật sự gây bất ngờ cho nhiều người đó là chỉ vỏn vẹn bốn tháng sau đó, Nguyễn Bách đã soạn xong quyển “Nhạc hợp xướng Sài Gòn” vào ngày 11/11/2017, như một món quà tinh thần quý giá, ghi dấu kỷ niệm ngày cưới lần VI đề tặng người bạn đời nghệ sĩ piano Đoàn Lê Thanh Tú: một cú “đúp” ngoạn mục của Nguyễn Bách trong năm 2017.
mộc.quốckhanh tại Trường BMS Saigon |
Thật vui mừng khi biết quyển “Nhạc hợp xướng Sài Gòn” của Nguyễn Bách là công trình nghiên cứu âm nhạc đầu tiên của nước ta về thể loại nhạc hợp xướng tại Sài Gòn, được phát hành rộng rãi vào ngày 21/04/2018, nhân dịp chào mừng ngày Sách Việt Nam lần thứ V. Tác giả vốn là người được đào tạo rất chuyên sâu về âm nhạc, sống ở châu Âu hơn 10 năm (từ 1988-1998), học kỹ thuật âm thanh tại Đức, biết nhiều ngoại ngữ phổ biến (Anh, Pháp, Đức, Ý) và có trường nhạc riêng và ban hợp xướng riêng đang hoạt động khá hiệu quả, nên ít nhiều cũng giúp anh có những thuận lợi nhất định trong nghiên cứu học thuật.
Đối với chúng tôi, Nguyễn Bách là người thầy, người anh, người bạn tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng tích lũy dành cho âm nhạc. Rất đáng hoan nghênh và ủng hộ dự án nghiên cứu âm nhạc nghiêm túc này của tác giả. Không thể nào diễn tả hết niềm vui của chúng tôi khi mà cách đây không lâu được đọc toàn bộ bản thảo quyển sách, nay lại được cầm trên tay ấn phẩm trang trọng, hoàn chỉnh như mong đợi này. Riêng chúng tôi mong muốn ghi lại một vài cảm nhận như sau:
mộc.quốckhanh & Tiến sĩ Nguyễn Bách |
1. Đối tượng của quyển sách: Như tên gọi của công trình nghiên cứu,
trước hết tác giả muốn hướng đến những người tham gia hoạt động trong các ban
nhạc hợp xướng, thông thường có tính chất tôn giáo như Thánh ca, Phật ca hay
đạo ca. Tuy nhiên, trong phần Kết luận ở cuối sách, tác giả đã khéo léo nêu bật
phần thanh nhạc trong hợp ca, hợp xướng để đưa thể loại này vào nhiều tầng lớp
công chúng sâu rộng, đặc biệt nhấn mạnh đến sự bổ túc lẫn nhau giữa hai loại
hình: tôn giáo ca và thế tục ca. Nói cách khác, điểm tinh tế
của quyển sách đó là khẳng định tầm quan trọng trong sự kết hợp bất khả phân ly
giữa đạo và đời thông qua sợi chỉ hồng truyền dẫn mang tên: Âm Nhạc.
2. Hòa âm trong hợp xướng: Vốn yêu thích hòa âm, chúng tôi chú tâm dò
tìm những từ khóa chứa hai chữ này, và thật thú vị khi thấy tác giả dành phần
lớn trong Chương 6 nói về hòa âm (trang 79-101), bên cạnh giai điệu và phức
điệu. Theo Nguyễn Bách, nhiều tác giả hợp xướng trước 1975 có khuynh hướng sử dụng “hòa âm thoáng
mỏng”, mà đa phần là những hợp âm bậc I, IV, V, tuy lột tả được đặc tính thanh tao, nhẹ nhàng của nhạc
Việt, nhưng vô tình lại làm cho tuyến giai điệu trở nên dễ “lộ hàng” đối với thính giả.
Sau 1975, Nguyễn Bách thấy
rõ xu hướng sử dụng các loại hợp âm phong phú và đa dạng hơn, mạnh dạn thay thế
cho liên kết công năng truyền thống I–IV–V để tạo nên màu sắc bất ngờ cho tác
phẩm. Có thể đơn cử những loại hợp âm chồng âm (quãng 4Đ, quãng 5Đ hay quãng
2), hợp âm treo (sus2, sus4), hợp âm thêm note phụ (add2, add4, add9), hợp âm
thêm quãng 6 hoặc hợp âm bỏ âm 3 (xóa mờ tính trưởng-thứ của nhạc Tây) v.v... để
hòa âm cho những giai điệu trên nền điệu thức truyền thống của nhạc ta.
3. Không có ranh
giới về hợp xướng: Dù quyển sách có nhan đề “Nhạc hợp xướng Sài Gòn”, yếu
tố địa danh này chủ yếu giúp tác giả cô đọng lại phần trình bày lịch sử hình
thành và phát triển nhạc hợp xướng tại Sài Gòn, nơi tác giả sinh sống và làm
việc. Ngoài tính chất địa lý này, giới nghiên cứu âm nhạc và quý độc giả yêu
nhạc thuộc nhiều tầng lớp công chúng khác nhau trên khắp cả nước đều có thể tiếp
cận sử dụng tài liệu công phu này dưới góc độ học thuật, phục vụ cho nhiều mục
đích khác nhau trong hoạt động sáng tác, biểu diễn hay giảng dạy, vì không có
bất cứ khoảng cách nào giữa các vùng miền về âm nhạc nói chung và hợp xướng nói
riêng.
4. Đào tạo về hợp
xướng: Trong phần Kết luận ở cuối sách, ngoài việc tóm tắt những điểm cốt lõi của
công trình nghiên cứu đã trình bày chi tiết trước đó, tác giả cho thấy mình có nhiều
trăn trở nêu lên những khuyến nghị tâm huyết để phát triển hợp xướng tại Sài
Gòn như: (i) xem hợp xướng như một phương tiện giáo dục lâu dài chứ không phải
một phong trào bộc phát, (ii) đưa giáo dục hợp xướng vào chương trình giảng dạy
phù hợp với các bậc học, (iii) nâng cao khả năng chuyên môn về hợp xướng cho
các thầy cô từ phổ thông đến đại học, (iv) lập kinh phí phát triển hoạt động
hợp xướng, (v) đầu tư công tác đào tạo người sáng tác và chỉ huy hợp xướng,
(vi) tổ chức các liên hoan hợp xướng và những cơ hội biểu diễn khác, (vii) thành
lập hiệp hội và các tổ chức hợp xướng.
mộc.quốckhanh & Tiến sĩ Nguyễn Bách |
Chúng tôi trân trọng
giới thiệu quyển sách “Nhạc hợp xướng Sài Gòn” của Tiến
sĩ-Nhạc trưởng Nguyễn Bách đến quý độc giả yêu mến âm nhạc nghiêm túc. Không hề
có một chút nghi ngờ nào về năng lực sáng tạo của tác giả mà chúng tôi được
biết đến, và cũng không biết liệu anh đang có “âm mưu” gì mới cho chuyện viết
lách nữa không đây.
Với một tủ sách đồ sộ
và đáng nể như vậy, chúng tôi nhận thấy Nguyễn Bách đã viết đủ đề tài cần thiết
cho âm nhạc vì cái chung. Thế còn cái riêng về anh, về gia đình anh thì chưa
thấy nói gì nhiều.
Trước khi chào tạm
biệt anh, chúng tôi đánh bạo:
- “Khi nào ra mắt Hồi ký Nguyễn Bách ạ?”
Thay cho câu trả lời,
anh nhún vai và nở nụ cười bí hiểm, phảng phất một “Mona Lisa style”./.
Tiểu
sử Nguyễn Bách
§ Sinh năm 1957
§ Cựu học sinh trường Lasan
Taberd (khóa 1974)
§ Cựu sinh viên Đại học
Lasan (trước 1975), Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức
§ Tốt nghiệp “Kỹ thuật phòng thu” tại Munich (Đức)
§ Cử nhân nghệ thuật chuyên
ngành “Chỉ huy dàn nhạc”
§ Thạc sĩ nghệ thuật chuyên
ngành “Nghệ thuật Âm nhạc”
§ Tiến sĩ nghệ thuật chuyên
ngành “Âm nhạc học”
§ Hội viên Hội Âm nhạc
Tp.HCM
§ Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt
Nam
§ Giảng viên Nhạc viện
Tp.HCM từ 1999
§ Hiệu trưởng hệ thống
Trường Âm nhạc B.A.C.H.
Với 35 năm kinh nghiệm trong nghề dạy học
về âm nhạc, chỉ huy các hợp xướng và dàn nhạc nhà thờ và nhiều nơi khác – Sáng
lập “Tủ sách Âm Nhạc Điện Toán” (Nxb
Âm Nhạc) - Sáng lập và chỉ huy “Ban Hợp
xướng và Dàn nhạc SUỐI VIỆT” (từ 2004) – Dàn dựng và tham gia biểu diễn nhiều
chương trình âm nhạc nổi tiếng như: “Đêm
Thần Thoại” (Trịnh Công Sơn, 2006), “Ngày
Trở Về” (Phạm Duy, 2006), “Rock Cho
Tình Người” (2007), “Tình Yêu Giáng
Sinh” (2005 - 2009), “Màu Tình Yêu” (2009),
“Tiếng Dương Cầm Hát” (The Piano
Sings, 2009, 2010, 2011, 2013, 2014, 2016) – Là tác giả nhiều bộ sách về Âm
nhạc được phổ biến sâu rộng và nhiều bài báo, nghiên cứu khoa học trên các báo
âm nhạc chuyên ngành: “Sóng Nhạc”, “Âm
Nhạc Việt Nam”, “Thông Báo Khoa Học” (Viện Âm Nhạc Việt Nam),
“Giáo dục Âm nhạc” (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)
Tủ sách Nguyễn Bách
1. LỊCH SỬ ÂM NHẠC THẾ GIỚI –
Tập I, Phần đại cương (lưu hành nội bộ, Tp.HCM, 1988)
2. BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU THÁNH
NHẠC (Germany, 1997)
3. HÒA ÂM (Nguyễn
Bách, Nxb Trẻ, 1998)
4. CẨM
NANG ĐÀM THOẠI ĐỨC–VIỆT (Nxb Thanh
Niên, 1999)
5. TỰ ĐIỂN ĐỨC–VIỆT (Nxb Thanh Niên, 1999)
6. TỰ ĐIỂN VIỆT–ĐỨC (chưa xuất bản)
7. TIẾNG PHÁP CẤP TỐC (Nxb
Thanh Niên, 1999)
8. HỌC TIẾNG PHÁP QUA NHỮNG
BÀI HÁT PHỔ THÔNG (Nguyễn
Bách–Nguyễn Hạnh, Nxb Thanh Niên, 1999)
9. ĐỒNG DAO VIỆT–ANH (Nguyễn
Bách–Nguyễn Hạnh, Nxb Thanh
Niên, 1999)
10.
THUẬT NGỮ ÂM NHẠC
Ý–PHÁP–VIỆT (Nxb Âm Nhạc, 2000)
11.
THUẬT NGỮ ÂM NHẠC
ANH–ĐỨC–VIỆT (Nxb Âm Nhạc, 2000)
12.
ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG NGHỆ
THUẬT CA HÁT (Nxb
Trẻ, 1999. Tái bản lần 1, 2001)
13.
NGHỆ THUẬT CHỈNH ÂM THANH
(Tủ sách “Âm nhạc điện toán”; Nxb Âm Nhạc, 2002)
14.
GIÚP TRÍ NHỚ VỀ LÝ THUYẾT
ÂM NHẠC - Từ trình độ căn bản đến
nâng cao (Tủ
sách “Âm nhạc điện toán”; Nxb Âm Nhạc, 2002)
15.
MIXER – BỘ NÃO CỦA PHÒNG
THU NHẠC (Tủ
sách “Âm nhạc điện toán”; Nxb Âm Nhạc, 2002)
16.
MICROPHONE – CÁCH SỬ DỤNG
HIỆU QUẢ CAO (Tủ
sách “Âm nhạc điện toán”; Nxb Âm Nhạc, 2002)
17.
TIẾNG Ý DÙNG TRONG ÂM NHẠC
(Nxb Trẻ, 2002)
18.
SỔ
TAY KỸ THUẬT PHÒNG THU (Nxb
Âm Nhạc, 2002)
19.
HÒA ÂM – TỪ CỔ ĐIỂN ĐẾN
HIỆN ĐẠI (Tái bản lần 1 - Nxb Âm Nhạc, 2003)
20.
CUBASE
– PHẦN MỀM THU NHẠC TUYỆT VỜI (Nxb Âm Nhạc, 2003)
21.
JAZZ
ORGAN – PIANO CHO MỌI NGƯỜI (Nxb Âm Nhạc, 2003)
22.
HỌC
KÈN MÉLODION CHO HỌC SINH LỚP 2 (Bộ Giáo dục & Đào
tạo, Nxb Âm Nhạc, 2003)
23.
HỌC
ORGAN ĐIỆN TỬ CHO HỌC SINH LỚP 2 (Bộ Giáo dục & Đào
tạo, Nxb Âm Nhạc, 2003)
24.
NHỮNG
ĐIỂM CĂN BẢN CỦA VĂN PHẠM TIẾNG ĐỨC (Nxb
Đại học & Trung học chuyên nghiệp, 2003)
25.
TIẾNG
ANH & CÁCH ỨNG XỬ KHI PHỎNG VẤN XIN VIỆC (Nxb Lao động & Xã
hội, 2005)
26.
DỤ
NGÔN CA KHÚC – TUYỂN TẬP
THÁNH CA (Nxb Tôn Giáo, 2007)
27.
THẾ
GIỚI ÂM NHẠC TK. XX (chưa xuất bản)
28.
TUYỂN
TẬP CA KHÚC “MỘT LẦN YÊU” (Nxb Trẻ, 2008)
29.
NGHỆ
THUẬT CHỈ HUY HỢP XƯỚNG & DÀN NHẠC (Nxb Trẻ, 2010)
30.
LÝ
THUYẾT ÂM NHẠC CĂN BẢN (Nxb Thanh Niên, 2011)
31.
THUẬT NGỮ ÂM NHẠC
VIỆT–ANH–Ý–PHÁP–ĐỨC (Nxb Thanh Niên, 2011)
32.
THƯỞNG THỨC ÂM NHẠC (Nxb Tổng Hợp Tp.HCM, 2017)
33.
NHẠC HỢP XƯỚNG SÀI GÒN (Nxb Tổng Hợp Tp.HCM, 2018)
Sách
sắp xuất bản của Nguyễn Bách
1.
HÒA ÂM
CHO NGƯỜI CHƠI PIANO
2.
PHỐI HỢP
XƯỚNG
3.
THUẬT NGỮ
ÂM NHẠC [Tự điển giải thích]
4.
NHỮNG VẤN
ĐỀ KÝ ÂM [từ truyền thống đến thế kỷ XX]
5.
ĐỆM CA
KHÚC VỚI ĐÀN PIANO
Sài Gòn, ngày 02-09-2018
-----
mộc.quốckhanh
mộc.quốckhanh
(a.k.a. Kingsley Truman Tran)
moc.quockhanh@gmail.com
09 06 99 99 00
moc.quockhanh@gmail.com
09 06 99 99 00
f/ mocquockhanh | f/ mocthekhong
mocquockhanh.blogspot.com | Slogan: gìn Nàng giữ Nhạc
mocphuckhang.blogspot.com | Slogan: gìn Lộc giữ Lời
mocthekhong.blogspot.com | Slogan: gìn Đời giữ Đạo
No comments:
Post a Comment