nhớ PHAN KHANH,
nhờ PHAN KHANH
& nhỡ PHAN KHANH
Sài Gòn, 27/01/2017 mộc.quốckhanh
Vào
buổi sáng ngày 16/01/2017, chúng tôi hay tin về Nhạc sĩ Phan Khanh (1956-2017).
Đang chuẩn bị ghi lại những dòng hồi tưởng về anh thì gia đình chúng tôi phải vội
vàng khăn gói về quê lo việc hậu sự cho người thân. Nay mọi việc đã vâng ý Chúa
qua lời dạy của Thánh Francesco d'Assisi “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Giờ đây chỉ còn một mình với những kỷ niệm về anh.
Chưa
biết viết về NS Phan Khanh như thế nào, thì thật may chính cái chất Nam bộ đặc
trưng cộng với cái tính hài hước của anh là nguồn cảm hứng để ghi lại những nét
chấm phá về anh.
1. Nhớ
PHAN KHANH
Người hình khối nhỏ, xe phân khối lớn
Đó
là một người đàn ông có vóc dáng nhỏ, gầy với khuôn mặt nhìn có vẻ khắc khổ,
đầy phong trần, phiêu lãng.
Nét mặt quàu quạu
Không nhậu rượu bia
Giọng nói lè nhè
Da dẻ đỏ gay
Cứ tưởng đang say
Mà không phải vậy.
Chắc
hẳn bạn bè thân hữu của anh đều thừa nhận cái “đặc điểm nhận dạng chung” đối
với nhân vật đặc biệt này. Bề ngoài trông khó tính vậy, nhưng khi trò chuyện
thân tình rồi thì cái ấn tượng ban đầu đó tan biến mất, nhường chỗ cho cái tính
hài hước kiểu “Phan Khanh”.
Người
nhỏ con vậy, nhưng lại thích đi xe phân khối lớn, lại còn đeo cái ba-lô vác máy
tính xách tay nặng trịch sau lưng. Khi anh ngồi lên xe, thấy anh lọt thỏm giữa khoảng
trống mênh mông. Nói nôm na là “khối thép chèn ép khối thịt”. Cái chi tiết
tương phản này là điều mà chúng tôi thường trêu anh cho vui.
Đây
cũng là con người yêu ghét rõ ràng, không có chuyện “đãi bôi”, “ỡm ờ” hay “lửng
lơ con cá vàng” à nha. Một hôm có chuyện gì đó làm anh bực mình lớn tiếng, tôi trêu
“Anh ơi, chỉnh volume nha, tiếng treble hơi bị gắt
đó”.
Khẩu
khí thì rất là dữ dằn, nhưng trong tâm anh thì không có ác ý, mà các cụ thường
dạy là “khẩu xà, tâm Phật”.
Ở tuổi 55 vẫn còn lên đỉnh 600!
Trong
gần 30 năm hoạt động âm nhạc, NS Phan Khanh không những đã viết nhiều ca khúc,
mà còn sáng tác nhiều đề tài đa dạng về phong trào, tình yêu, nhạc hài, ca khúc
cho sân khấu kịch nói. Anh cũng đoạt giải thưởng và huy chương trong những năm
tháng yêu nghề.
Trong
cuộc vận động sáng tác văn học-nghệ thuật nhân kỷ niệm 35 năm thành lập lực
lượng TNXP TPHCM, NS Phan Khanh đạt giải nhất với nhạc phẩm "Tình ca trên đỉnh 600" (2011). Biết
tin vui anh nhận vinh dự lúc 55 tuổi, bạn bè thân hữu trêu anh: “Trời, ở tuổi 55 vẫn còn lên đỉnh 600 được sao?”
"Lúc tham gia, tui đâu có nghĩ mình đoạt giải gì
đâu, chỉ là cơ duyên thôi. Một hôm tình cờ lật tờ báo cũ thấy cuộc thi sáng tác
vẫn còn thời hạn đăng ký làm mình sực nhớ đến ca khúc bị lãng quên từ lâu. Ai
ngờ gửi thử mà gặt thiệt”, anh cười khoái chí.
Nhiều
người yêu thích các ca khúc của NS Phan Khanh bởi sự giản dị, tính mộc mạc đúng
chất Nam bộ của anh. Ngoài ra, anh cũng chọn lọc phổ nhạc cho những bài thơ của
giới thi sĩ thân hữu mà anh tâm đắc ở phần nội dung. Trong số đó, có bài “Mơ hồ” (thơ: Phan Ngọc Thường Đoan, trình
bày: CS Mỹ Hạnh) được anh nhắc đến nhiều nhất. Đây thực sự là một bài thơ phổ
nhạc hay, nên sau này có nhiều ca sĩ khác thể hiện.
Điều
đáng trân trọng là những thành quả mà anh đạt được trong âm nhạc chủ yếu là nhờ
nỗ lực tự học, trong đó tự học sáng tác là điều mang lại cho anh nhiều cảm hứng
nhất.
Không có thằng nhạc sĩ nào ký âm như vậy
Khi
thân tình, tôi hẹn gặp đưa anh xem mấy bản nhạc. Anh liếc sơ qua vài trang rồi
phán một câu xanh dờn:
-
“Thời này không có thằng nhạc sĩ nào
ký âm như vậy”.
Trời
đất, ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, anh muốn hạ đo ván tôi luôn. Cuộc gặp hôm
đó chỉ có hai người, thì cái ‘thằng’ đó là tôi chứ ai, chưa kể tôi kém anh 13
tuổi lận.
-
“Dạ, em không phải nhạc sĩ anh ơi”, tôi
chống đỡ.
Anh
lắc đầu nói không bàn chuyện làm nghề nhạc sĩ chuyên nghiệp hay tài tử, mà thời
buổi này ai lại rảnh viết bản ký âm trau chuốt, kỹ lưỡng quá. À, thì ra anh tỏ
ý “phật lòng” về cái hình thức trình bày bản nhạc của tôi.
Từ trái sang phải: PV Xuân Sơn, GS-TS-NS Thế Bảo, PV Lương Minh, NS Phan Khanh,
LS Cao Sang, mộc.quốckhanh & TS-Nhạc trưởng Nguyễn Bách (2011).
|
Chúng
tôi sử dụng phần mềm soạn nhạc Encore nhờ tài liệu chuyển ngữ của NS Huy Liêm,
NS Nguyễn Hạnh. Trong Encore, để canh lề giữ lối thẳng hàng và cách đều nhau
giữa nhạc và lời, phải tốn công làm tay từng note một, từng chữ một cho cả bài
hát, chứ không phải bằng một vài câu lệnh đơn giản như phần mềm soạn thảo văn
bản. Sau khi ký âm như vậy, bàn tay tôi mỏi rã rời, không thể cầm viết hay làm
gì khác.
Bằng
con mắt nhà nghề, NS Phan Khanh biết tôi dành rất nhiều thời gian cho bản ký
âm. Sau đó, anh mới nhẹ nhàng nói:
-
“Sự kỹ tính cho thấy sự nghiêm túc
trong công việc”.
Vậy
là tôi có kinh nghiệm đầu tiên với NS Phan Khanh. Trước khi động viên điều gì,
anh ấy “dập” mình trước, vừa đập vừa xoa, đúng hơn là đập trước, xoa sau.
Cảm ơn những người biên tập âm nhạc
Có
lần trong quán café nhỏ vào một chiều Sài Gòn cuối tuần mát mẻ, anh “khoe” đang
viết một bài nhận định tác giả-tác phẩm âm nhạc mà anh tâm đắc. Anh xoay màn
hình máy tính xách tay về phía tôi cho dễ đọc. Tôi tính kéo lên đầu bài thì anh
chặn lại. Như không muốn “lộ hàng” hết, anh không cho tôi xem tựa đề bài viết,
viết về ai…
-
“Tập trung vào cái đoạn gay cấn này nè”, anh tỏ
vẻ đắc chí.
Tôi
đọc đúng cái đoạn anh đánh dấu khối, rồi tỉnh bơ:
-
“Không phải gay cấn, mà là gay gắt
trong lấn cấn”.
Anh
cười khà khà, không quên trách “cái thằng này thiệt”.
Như
bị bệnh nghề nghiệp, tôi phát hiện trong một đoạn văn dài, anh chưa chấm câu,
ngắt dòng. Dường như biết thế nào tôi cũng góp ý điểm đó, anh ra hiệu giữ yên
lặng, đóng máy tính xách tay lại, rít một hơi thuốc, rồi nhả làn khói bay hờ
hững trong cái… không gian tiêu khiển. Chợt phát hiện có cơ hội chọc quê tôi,
anh bồi liền: “Mà soạn thảo
kỹ như em thì ban biên tập không có việc gì làm à?”
Sau
câu nói bông đùa, anh trải lòng: “Thật tình thì
những bài viết nhận định âm nhạc của anh mà em đọc thấy trình bày lớp lang, câu
cú rõ ràng, dấu chấm, dấu phẩy, dấu hỏi, dấu ngã…, thì anh đâu có làm, mà nhờ
mấy anh em biên tập sửa giúp không đó. Anh cảm ơn tụi nó rất nhiều!”
Chúng
tôi biết có những anh chị em biên tập ở tòa soạn gọi NS Phan Khanh là anh, là
chú, là bác hoặc thậm chí là ba rất đỗi thân tình, và họ vốn đã quen với cách
soạn thảo văn bản theo kiểu “giang hồ” của anh. Khi đọc tới đây, chắc hẳn họ sẽ
cảm thấy ấm lòng vì sự ghi nhận công sức mà NS Phan Khanh dành riêng cho họ.
Thế
đấy, một người anh quý trọng tình nghĩa đối với bạn bè thân hữu đã giúp mình,
chứ không có kiểu “của người, phúc ta”. Chúng tôi cảm thấy thương mến một người
nhỏ con như anh, còn phải mang chiếc máy tính xách tay nặng nề sau lưng, với đôi
bàn tay gân guốc, đủ sức gõ chậm từng con chữ một với nhiều điều trăn trở trong
đời sống âm nhạc. Gõ cho tới khi mệt óc, mỏi tay, mờ mắt thì dừng lại nghỉ, đâu
còn thời gian để chỉnh sửa câu cú, mà đằng sau anh còn biết bao nhiêu việc phải
lo toan cho gia đình, con cháu.
Từ
đó, chúng tôi nghiệm ra rằng việc biên tập văn bản là cần thiết và nên hết sức
nhẹ nhàng, đừng biến nó thành cái thói bắt bẻ câu chữ, vốn trở nên quá nhỏ nhoi
so với tình cảm và sự chân thành của một con người.
Gọi TS-Nhạc trưởng Nguyễn Bách là “kẻ đốt đền”
Trong
năm 2011, có một bài báo với tựa đề “Nhạc sĩ Nguyễn Bách: Kẻ đốt đền?” (X.Sơn-M.Tâm
thực hiện, Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, số 19, 2011), trong đó có giới thiệu về
quyển sách “Lý thuyết âm nhạc căn bản”
(NXB Thanh Niên) của Nguyễn Bách.
Bài
viết này gây sự chú ý với lời nhận xét đặc biệt theo “khẩu khí giang hồ” của NS
Phan Khanh về quyển sách:
“NS Nguyễn Bách đã làm chuyện của kẻ “đốt đền”, sẽ
nổi tiếng “tốt và xấu” đình đám trong cộng đồng dân cư âm nhạc… Tốt cho những
“môn đồ” mới ngập ngừng bước vào ngôi đền âm nhạc, họ sẽ dễ dàng “ngộ” ra chân
pháp mà không cần thiết phải khổ nhục tu luyện... Tiếng xấu là dám xô ngã
“tượng đài” giáo điều mà các tu sĩ đã ngàn năm xây dựng và “cố thủ”. Tội hay công?
Trăm năm sau mới có câu trả lời. Nhưng trước hết NS Nguyễn Bách đã có công kéo
“chiếc diều” học thuật xuống gần hơn, bởi người có học thuật thì đếm trên đầu
ngón tay mà kẻ ngoại đạo thì đi đâu cũng thấy. Nên cần lắm những kẻ “đốt đền”
như NS Nguyễn Bách!”
Vào
ngày đi viếng anh Phan Khanh (trong con hẻm nhỏ tại số 62/2/10B Nguyễn Lâm,
Quận Phú Nhuận), TS-Nhạc trưởng Nguyễn Bách chân tình nói: “Anh rất cảm ơn NS Phan Khanh về lời nhận xét
đó. Chuyện đúng sai không quan trọng, nhưng anh Phan Khanh đã nói lên được một
phần suy nghĩ của anh, và chỉ có anh ấy mới dám sử dụng những từ ngữ chân tình,
thẳng thắn như vậy!”
2. Nhờ
PHAN KHANH
“Ngồi trông con suối lau mình” thực là một cảnh gợi tình
Thật
tình chúng tôi không có ý định nói về ca khúc “Những cơn mưa vô thường” ở đây, biết rằng tác phẩm này đã tạo sự
gắn kết đặc biệt giữa NS Phan Khanh và gia đình chúng tôi. Sau khi CD Album “Những cơn mưa vô thường” ra mắt vào năm
2011, đã có một số bài viết đánh giá nhận định, và gia đình chúng tôi rất cảm
ơn các anh/chị/em phóng viên báo đài về sự động viên khích lệ này.
Sang
năm 2012, anh Phan Khanh cho biết đang có ý định không phải đánh giá mà là “quánh
giá” bài này cho nó tơi bời hoa lá thì mới hả dạ. Nghe anh “hăm dọa” dữ quá,
tôi thấy vui trong lòng vì chính anh cũng nói nhạc phẩm này đã được nhiều
phương tiện truyền thông nhắc đến rồi. Thấy vui trong lòng là nói tế nhị, chứ nói
toạc móng heo là tâm lý cầu danh vẫn chưa nguội lạnh. Thôi cũng đành, anh cho
thì em xin!
Sau
đó anh “quay” tôi như dế. Anh đặt nhiều câu hỏi khác nhau, khi thì gặp trực
tiếp, khi thì qua điện thoại về hoàn cảnh sáng tác, chủ đề âm nhạc, chủ đề tư
tưởng, đặc biệt là những câu hỏi “bên lề” mà anh muốn khoét sâu thêm.
-
“Tại sao em viết câu Ngồi trông con
suối lau mình”?, anh phỏng vấn.
-
“Dạ,
đó là một khung cảnh thiên nhiên lãng mạn để chuẩn bị dẫn tới…”, tôi đáp
vấn.
-
“Dẫn tới cái gì?”, anh ngắt
ngang truy vấn.
-
“Dạ,
dẫn tới sự vô thường của tình yêu ở đoạn cuối”, tôi nhẹ nhàng tư vấn.
-
“Tầm phào!”, anh kết
vấn.
Quý
vị đọc tới đây chắc hẳn cũng cảm thấy buồn cười, còn cuộc đối đáp trực tiếp
giữa chúng tôi lúc đó rất là vui nhộn. Nhấm vài giọt café ngọt đắng, anh nhẹ
nhàng khuyên bảo đừng bao giờ đem cái sự vô thường ra “giảng đạo” cho anh ở
đây. Anh đã có gia đình vợ con, em cũng vậy, ai cũng trải nghiệm về cuộc đời vô
thường mà. Nhưng có những chuyện rất đời thường giữa những người đàn ông với
nhau thì có gì phải giấu hả em.
Thấy
anh dịu giọng bất ngờ quá, tôi cũng hạ giọng… tỉnh bơ lạ.
Để
kết thúc cuộc “điều tra” về cái tứ “ngồi trông con suối lau mình”, tôi giở nhanh
tập nhạc thuật lại hoàn cảnh sáng tác ca khúc, trong đó ghi rõ lòng khát khao
phác họa một bức tranh thủy mặc ca ngợi tình yêu con người trong cõi vô thường đầy
biến ảo.
Quá
sốt ruột về cách giải thích của tôi mà từ nãy tới giờ vẫn… “chưa trùng khớp ý
với bác” (tức tôi chưa gãi đúng chỗ ngứa của NS Phan Khanh), anh phán luôn:
-
“Ngồi trông con suối lau mình… thực
là một cảnh gợi tình!”
Trời
đất, tôi bị “sốc” toàn tập luôn!
Theo
thiển ý của tôi, đó là một bức tranh thủy mặc.
Theo
thâm ý của anh, đó là cảnh gợi tình cô đặc.
Một
bức tranh thủy mặc thì quá trừu tượng đầy mông lung, còn cảnh gợi tình cô đặc
thì rất cụ thể đầy nhớ nhung.
Vậy
đó, anh muốn giải mã bức tranh tình đó theo một cách thức giản dị nhất, dễ hiểu
nhất mà ai cũng cảm nhận được. Thật tình lúc ấy, tôi ước gì anh sẽ bỏ ý tưởng viết
theo cách đó, vì tôi sợ “mất tự chủ” đối với tác phẩm của mình. Nhìn vẻ mặt lo
lắng của tôi, anh trấn an “cảnh gợi tình
đó đẹp mà sao em phải lo”.
Tôi
biết mình không thể nào thay đổi cách nghĩ của anh, vì cơ duyên đã đưa gia đình
chúng tôi được gặp anh trong cuộc đời này. Và tôi cũng tự biết rằng nếu cứ cố lái
người khác theo cái lối mòn suy nghĩ của mình thì chẳng phù hợp với tinh thần
văn nghệ chút nào cả.
-
“Thôi, anh làm
ơn làm phước viết thật nhẹ nhàng anh nhé”, tôi vớt vát cú chót.
Sau
khi bài viết của NS Phan Khanh được đăng báo với tựa đề “Nàng-Nhạc song hành” (Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, số 25, 2012), tôi
rất hồi hộp lo lắng không biết liệu anh ấy có “phang ngang” điều gì khác không.
Đọc xong bài viết của anh, Mộc Thanh Nga vợ tôi nói bác Phan Khanh viết hài
hước dễ thương quá, còn tôi thở phào nhẹ nhõm.
Quả
vậy, nếu bây giờ thử cắt bỏ hết phần bình luận của đoạn “ngồi trông con suối
lau mình” ra, bài viết sẽ không còn sự sắc bén như phong cách Phan Khanh nữa. Gia
đình chúng tôi rất biết ơn anh về điều này, và nhờ Phan Khanh mà “Những cơn mưa vô thường” có thêm một góc
nhìn khác.
Từ trái sang phải: NS Quỳnh Hợp, mộc.quốckhanh, Mai Quỳnh, NS Phan Khanh,
NS Thanh Bình, NS Đức Thịnh & CS Duy Thủy (2012).
|
Thầy Bách khen Phan Khanh
Sau
khi đọc bài “Nàng-Nhạc song hành” của
NS Phan Khanh, TS-Nhạc trưởng Nguyễn Bách cũng có đôi lời: “Chúc mừng Song Khanh với bài báo long trọng
ở Tạp chí Âm nhạc Việt Nam. Cả người viết và người được viết đều xuất sắc”.
Anh Bách có ý chơi chữ “Song Khanh” là vì tôi trùng tên với anh Phan Khanh.
Tôi
hẹn gặp riêng anh Phan Khanh, đưa nguyên văn lời chúc của anh Bách cho anh ấy xem,
nói anh Bách có chút gửi gắm đặc biệt cho anh nè. Đọc hết những dòng chúc mừng của
anh Bách, anh Phan Khanh nhíu mày:
-
“Anh mà cũng
được thầy Bách chấm nữa hả em?”
Dù
cả hai anh cùng đồng trang lứa với nhau, nhưng khi nói về anh Bách, anh Phan
Khanh thường xưng hô thầy Bách. Anh nói tưng tửng vậy thôi chứ tôi biết trong
lòng Phan Khanh rất là hoan hỷ!
3. Nhỡ
PHAN KHANH
Sau
hai đoạn viết về ‘nhớ Phan Khanh’ và ‘nhờ Phan Khanh’, lẽ ra có thể kết thúc tại
đây. ‘Nhớ Phan Khanh’ như muốn nhắc lại nhiều kỷ niệm đẹp xưa cũ giữa anh với
bạn bè thân hữu, còn ‘nhờ Phan Khanh’ là lời cảm ơn chân thành nhất từ gia đình
chúng tôi có may mắn được anh thương mến nhận xét trong bài viết “Nàng-Nhạc song hành”.
Vậy
thì nguyên do gì để chúng tôi đẩy câu chuyện lên một nấc mới là ‘nhỡ Phan Khanh’?
Nhỡ tức là hụt mất, là không theo kịp, và ‘nhỡ Phan Khanh’ nên hiểu như thế nào
cho thấu tình đạt lý đây?
Ngồi
đọc lại bài viết “Nàng-Nhạc song hành”,
chúng tôi chợt thấy có đoạn ghi: “Một phép đảo
âm dương hợp lý hay cái mặc nhiên ‘vô thường, thị thường’ mà cũng rất đời
thường của nhà Phật”. Hai chữ “nhà Phật” xuất hiện một lần duy nhất trong bài viết, dù
trong những lần gặp gỡ, chưa bao giờ chúng tôi đề cập đến vấn đề tôn giáo. Tôi cảm
thấy như được thêm phần khích lệ vì cái duyên lành này như muốn nhắc nhở “khả
năng kết nối” giữa anh với chúng ta trong một cõi mới.
Từ trái sang phải: mộc.quốckhanh (keyboard), PV Xuân Sơn,
TS-Nhạc trưởng Nguyễn Bách (hát) & NS Phan Khanh (guitar) (2012).
|
Sự
kiện ngày 16/01/2017 vừa qua hàm ý rằng anh Phan Khanh chỉ tạm ngưng trò chuyện
ca hát với chúng ta thôi, chứ anh ấy không chết như cách chúng ta nghĩ. Xét cho
cùng, không hề có cái chết, vì không có một thế lực nào có thể hủy diệt thần
thức của anh một cách vĩnh viễn ra khỏi đời sống này, vốn chẳng có bắt đầu và
kết thúc. Đây là chân lý tuyệt đối theo quan niệm triết học Phật giáo và Thần
học Ki-tô giáo, mà đôi khi chúng ta vô tình lãng quên.
Cột
mốc 16/01/2017 chỉ đơn giản đánh dấu một thời điểm mà kể từ đó anh Phan Khanh
đã bước vào một cõi an vui mới. Là đàn em hay bạn bè thân hữu của anh Phan
Khanh, lẽ nào chúng ta lại đau buồn vì anh ấy được an vui? Lẽ nào chúng ta lại đau
khổ vì anh ấy được sung sướng? Chắc chắn không ai trong chúng ta có ý nghĩ đó.
Nhưng cũng phải thừa nhận chúng ta đang buồn thương tiếc nhớ anh Phan Khanh,
vậy chúng ta đang buồn vì điều gì? Cần minh định rằng chúng ta buồn vì chưa đạt
đến cõi an vui đó, chúng ta buồn vì đã lỡ chuyến “tàu tâm linh” đưa chúng ta
đồng hành cùng Phan Khanh. Đó mới là nỗi buồn có lý do chính đáng.
Tuy
nhiên, điều may mắn là nỗi buồn này sẽ không kéo dài vô tận đâu mà lo, tức kiểu
gì chúng ta cũng sẽ thoát khỏi nỗi buồn đó mà thôi. Nói cách khác, chuyến “tàu lượn
tâm linh tự lái” đó sẽ không lỗi hẹn với chúng ta mãi mãi, mà nó sẽ còn quay
trở lại trong một ngày nào đó. Chuyến tàu đặc biệt này không chạy bằng xăng,
nên không gây ô nhiễm môi trường, không tốn chi phí cầu đường và cũng không bao
giờ sợ hết xăng. Nó chạy tới chạy lui, chạy xuôi chạy ngược, lượn qua lượn lại,
lượn mãi không thôi, chẳng hề mệt mỏi bằng một nguồn năng lượng vô cùng vô tận,
gọi là nghiệp lực (karma) của mỗi cá nhân chúng ta đã tạo ra, duy trì, tích lũy
trong kiếp sống này và cho những đời sống tiếp nối khác.
Khi
chuyến “tàu lượn tâm linh tự lái” đó quay lại rước thêm những lữ khách đang
lang thang trong cõi vô thường này, đó cũng chính là lúc chúng ta tạm để lại
cái xác phàm đang dần dần tan rã theo quy luật vô thường, đặt hết mọi gánh nặng
cuộc đời xuống lòng đất, rồi tâm thức chúng ta thảnh thơi “chuyển hệ” bước lên
chuyến tàu đó. Đó là sự chuyển hóa thăng hoa!
Hữu duyên gặp lại các anh
Vô duyên cũng gặp tinh anh luân hồi.
Tức
là cho dù còn có cơ duyên hay không, trong những đời sống tái sanh mới, chúng
ta vẫn sẽ làm lại, gặp lại, yêu lại, thương lại, đàn lại, hát lại… với vô lượng
vòng lặp như thế.
‘Nhỡ
Phan Khanh’ được xem như một dấu lặng tròn đầy để chúng ta có dịp sống chậm
lại, trân trọng từng phút giây quý giá ngay trong kiếp sống này, ngay trong hơi
thở này.
Để không có gì phải luyến tiếc
Vì chẳng có ai để tiễn biệt
Để không có gì phải thương tiếc
Vì chẳng có ai để vĩnh biệt!
(Sài Gòn, 27/01/2017)
f/ mocquockhanh | f/ mocthekhong
mocthekhong.blogspot.com | Slogan: gìn Đời giữ Đạo
Musically yours,
-----
mộc.quốckhanh
mộc.quốckhanh
(a.k.a. Kingsley Truman Tran)
moc.quockhanh@gmail.com
09 06 99 99 00
moc.quockhanh@gmail.com
09 06 99 99 00
f/ mocquockhanh | f/ mocthekhong
Nhạc sĩ Phan Khanh
§ Tên thật:
Phan Văn Khanh.
§ Sinh năm:
1956 tại Long Xuyên, An Giang.
§ Giải nhất Cuộc
vận động sáng tác văn học-nghệ thuật nhân kỷ niệm 35 năm thành lập lực lượng TNXP
TPHCM (1976-2011) với ca khúc "Tình ca trên đỉnh 600" (2011).
§ Huy chương
Vì sự nghiệp Văn hóa Thông tin (2001).
§ Hội viên
Hội Âm nhạc TPHCM (1990).
§ Cựu TNXP (bắt
đầu hoạt động âm nhạc thời TNXP năm 1980).
§ Cựu chủ
nhiệm CLB sáng tác ca khúc Cung Văn hóa Lao Động.
§ Sáng tác
nhiều đề tài về phong trào, tình yêu, nhạc hài, ca khúc cho sân khấu kịch các
vở: Cuộc sống tươi đẹp (ĐD Nguyễn Lâm, SK 5b Võ Văn Tần), Cây dùi vàng (ĐD NSND
Phạm Thi Thành), Bóng đá ôi! Bóng đá (ĐD Minh Hải), Thay rể (ĐD Minh Hoàng),
Tiền ơi là tiền! (ĐD Minh Nhí, SK Hồng Vân)…
§ Tự học sáng
tác.
Tác phẩm:
1. Sài Gòn ngày ấy (Lê Tuấn, Duy Hòa)
2. Mơ hồ (Mỹ Hạnh, Nghi Văn, Vân Trường, Duy Thủy, Thúy Loan)
3. Mười năm (Vân Trường, Duy Hưng)
4. Em cứ đi (Duy Hưng)
5. Đâu biết em ra đi (Vân Trường, Duy Hưng)
6. Biển buồn (Vân Trường)
7. Em ơi mưa rơi (Vân Trường, Đình Văn, Quốc Đại)
8. Bóng đá cuộc đời (Hoàng Lan)
9. Ghen (Hoài Linh, Bảo Liêm-Vân Sơn, Quốc Anh-Vũ Khanh, Đình Văn)
10.
Độc thân (Hồng Tơ)
11.
Xa rồi tình ơi (Vân Trường, Phan Vĩnh Kỳ)
12.
Vội vàng (Duy Thủy)
13.
Những điều em chưa biết (Lâm Chấn Huy)
14.
Dẫu là sương khói (Duy Thủy, Minh Thúy)
15.
Hãy dừng lại cơn mê
16.
Vết tình đau (Bông Mai)
17.
Tam Nông mùa nước nổi (Bích Phượng)
18.
Thương lắm Cần Thơ (Lê Vy)
19.
Người lính QK 9
No comments:
Post a Comment